Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ mức phạt 300 triệu khi dùng vàng để thanh toán

Chính phủ bỏ mức phạt tiền từ 250 triệu đến 300 triệu nếu cá nhân, tổ chức sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán từ 31/12.

Thủ tướng mới ký ban hành Nghị định 88/2019 (có hiệu lực từ 31/12) với một loạt thay đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đặc biệt là kinh doanh vàng.

Thay đổi lớn nhất là hành vi sử dụng vàng để thanh toán sẽ bị phạt cảnh cáo thay vì phạt tiền từ 250 triệu đến 300 triệu đồng như quy định trước đó tại Nghị định 96/2014.

Ngoài ra, hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng được sửa đổi thành phạt cảnh cáo thay vì phạt tiền 30-60 triệu đồng.

Tuy nhiên, trường hợp cá nhân vi phạm các hành vi trên nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến tối đa 20 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất trong quy định với về hoạt động kinh doanh vàng là từ 300 triệu đến tối đa 400 triệu đồng nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng mà không có giấy phép.

Bo muc phat 300 trieu khi dung vang de thanh toan anh 1
Nghị định mới có nhiều quy định nới lỏng hơn cho hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trên thị trường. Ảnh minh họa.

Các hành vi xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hay kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp giấy phép cũng sẽ bị phạt tiền ở mức tối đa là 400 triệu đồng.

So với quy định cũ tại Nghị định 96/2014, mức phạt tối đa trong hoạt động mua, bán vàng mới thấp hơn khoảng 100 triệu đồng. Trước đó, với các hành vi như trên tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền với mức tối đa lên tới 500 triệu đồng.

Ngoài ra, nghị định mới cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số vàng đối với cả hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép và kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp giấy phép. Trước đó, cơ quan quản lý chỉ áp dụng hình thức tịch thu vàng với hành vi kinh doanh nhưng không có giấy phép.

Trước khi có sự can thiệp của Nhà nước bằng các nghị định, thông tư, thị trường vàng từng biến động rất mạnh, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Nhiều năm liên tiếp, giá vàng luôn tăng trưởng 2 con số. Tính trong giai đoạn 2005-2012, giá vàng trong nước đã tăng gấp 5 lần, từ 9,6 triệu đồng/lượng (2005) lên 46,32 triệu đồng/lượng (2012). Đây cũng là thời điểm giá vàng lên cao nhất trong nhiều thập niên.

Trước 2012, thị trường vàng khi đó xuất hiện cả hình thức huy động - cho vay vốn bằng vàng, dùng vàng để thanh toán nhà đất, hàng hóa… điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sau đó đã phải dùng nhiều biện pháp can thiệp thị trường để kiểm soát tình trạng này.

Theo báo cáo của NHNN, từ năm 2014 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống đã có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã bị loại bỏ. Nếu như trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh mua, bán vàng hiện số này đã giảm còn khoảng 2.242 điểm.

Ngân hàng 0 đồng GPBank tìm nhà đầu tư tái cơ cấu

GPBank là ngân hàng đầu tiên trong số 3 nhà băng bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng công khai tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu hoạt động.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm