Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đua tìm người kế nhiệm Tổng thống Duterte nóng dần

Các ứng viên trong cuộc chạy đua kế nhiệm vị trí của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lộ diện. Dù chiến dịch tranh cử còn chưa khởi động, những kịch tính đã bắt đầu.

tong thong philippines duterte anh 1

Cuối tuần qua là hạn chót để các ứng cử viên tổng thống Philippines thông báo ý định tham gia chạy đua. Trong số những người chính thức tuyên bố tranh cử có Ferdinand Marcos Jr. - con trai nhà lãnh đạo quá cố Ferdinand Marcos, Manny Pacquiao - thượng nghị sĩ kiêm vận động viên boxing, Phó tổng thống Leni Robredo, và Thị trưởng Manila Isko Moreno.

Richard Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines, nhận xét hiện nay chưa có ứng viên nào thực sự nổi trội. "Cuộc bầu cử sẽ cực kỳ cạnh tranh", ông Heydarian cho biết.

Bầu cử tổng thống Philippines sẽ chỉ có một vòng duy nhất. Ứng viên dẫn đầu sẽ trở thành tổng thống, ngay cả khi chỉ giành dưới 50% số phiếu ủng hộ. Bởi vậy, rủi ro là rất lớn với mọi ứng cử viên, và bất cứ người nào cũng có cơ hội chiến thắng, theo CNN.

Ứng viên gây tranh cãi ngay khi tuyên bố tranh cử

Ông Ferdinand Marcos Jr. thông báo chạy đua tranh cử hôm 5/10. Ứng viên này là con trai của Ferdinand Marcos, nhà độc tài cầm quyền tại Philippines giai đoạn 1965-1986.

Marcos Jr. kêu gọi người dân Philippines ủng hộ chiến dịch của ông vì "mục tiêu cao cả nhất", tuyên bố mình là một ứng viên đoàn kết dân tộc và có thể đưa đất nước đến gần nhau sau sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

Nhà độc tài Marcos cai trị Philippines trong hơn 20 năm với chính sách bàn tay sắt, trước khi bị lật đổ do sự phản kháng của người dân năm 1986.

Trong thời gian này, gia đình Marcos đã kiếm được những khoản tiền khổng lồ. Các chuyên gia ước tính trong thời gian cai trị của nhà độc tài, gia đình Marcos kiếm được hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Marcos Jr. đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

tong thong philippines duterte anh 2

Ông Ferdinand Marcos Jr. đã tuyên bố ra tranh cử. Ảnh: Reuters.

Các nhóm hoạt động ở Philippines phản đối ứng viên Marcos Jr., bởi họ không muốn một thành viên trong gia đình của nhà độc tài điều hành đất nước.

Chỉ một ngày sau khi ông Marcos Jr. thông báo ra tranh cử, người biểu tình đã tập trung ở thủ đô Manila để phản đối.

"Nhà Marcos đến nay vẫn chưa bị trừng phạt, họ không trả lại tiền mà họ đã bòn rút từ ngân khố, và giờ họ muốn quay trở lại nắm quyền ở đất nước này. Đây là một sự xúc phạm", Cristina Palabay, thành viên nhóm hoạt động Karapatan, nói với Reuters.

Tổng thống Duterte không che giấu mối liên hệ với gia đình Marcos. Ông Duterte thậm chí còn lấp lửng khả năng hợp tác với Marcos Jr. trong vai trò phó tổng thống.

"Kế hoạch là vậy", ông Marcos Jr. nói với ABS-CBN hôm 6/10.

Chuyên gia Heydarian cho biết gia đình Marcos "có nhóm cử tri trung thành, có nhiều nguồn lực và kỷ luật", nhưng lịch sử chế độ độc tài có thể sẽ khiến cử tri lo ngại về nguy cơ tham nhũng.

Từ võ đài lên sàn đấu chính trị

Manny Pacquiao là một huyền thoại trong làng đấm bốc. Trong sự nghiệp kéo dài 26 năm, ông là vận động viên duy nhất sở hữu danh hiệu thế giới ở 8 hạng cân khác nhau.

Nhưng danh tiếng trên sàn đấu không đảm bảo uy tín trên nghị trường của vị thượng nghị sĩ 42 tuổi. Kỹ năng chính trị là điều Pacquiao sẽ phải chứng tỏ với cử tri trong cuộc chạy đua.

Pacquiao là chính trị gia có sức hút không thể chối cãi với cử tri. Ông lần đầu được bầu vào thượng viện Philippines năm 2016, với cam kết sẽ là tiếng nói của tầng lớp nghèo khổ. Trước khi thành danh, ông từng sống trong cảnh đói nghèo, phải bán kẹo và thuốc lá dạo trên phố để kiếm ăn.

Nhưng kể từ khi vào thượng viện, huyền thoại đấm bốc người Philippines không thực sự nổi bật.

"Pacquiao gia nhập cuộc đua khi mà bản lĩnh chính trị của ông ấy vẫn còn bị hoài nghi. Với tư cách một thượng nghị sĩ, ông ấy chưa có những hành động đủ ấn tượng", chuyên gia Heydarian nói.

Thay vì chạy đua phó tổng thống, Pacquiao đã bước lên đầu ngọn sóng chính trị. Theo ông Heydarian, bước đi này có thể bị coi là vội vàng trong mắt nhiều cử tri. Dẫu vậy, sự lôi cuốn của Pacquiao đối với tầng lớp người nghèo đã trao cho ông ưu thế nhất định.

tong thong philippines duterte anh 3

Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao. Ảnh: CNN.

Những năm qua, Pacquiao va chạm với Tổng thống Duterte về vấn đề quan hệ với Trung Quốc và cứu trợ người nghèo trong dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vị thượng nghị sĩ cũng có những phát ngôn gây tranh cãi về nhóm người đồng tính và chuyển giới, và vấn đề phá thai.

Nhà báo Maria Ressa, người được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2021, cho biết Philippines cần nhà lãnh đạo có thể sớm đưa nước này thoát ra khỏi cái bóng của thời Tổng thống Duterte và đại dịch Covid-19.

Bà Ressa hoài nghi ông Pacquiao có thể không sở hữu một liên minh chính trị đủ mạnh, hay kinh nghiệm quản trị đủ phong phú, để hoàn thành mục tiêu này.

"Bất cứ ai trở thành tổng thống tiếp theo cũng sẽ phải đối mặt những vấn đề thật sự, và họ cần những người đủ khả năng giúp hoàn thành công việc", nhà báo Ressa nói.

Những nhân vật còn lại

Thượng nghị sĩ Pacquiao không phải ứng viên duy nhất đi lên từ nghèo đói, và cũng không phải ngôi sao duy nhất. Tuần qua, Thị trưởng Manila Isko Moreno thông báo ra tranh cử.

Thời tuổi trẻ, Moreno sống ở Manila, lớn lên trong các khu ổ chuột và phải nhặt rác để kiếm sống. Trong thập niên 1990, ông Moreno là diễn viên và từng đóng nhiều bộ phim lãng mạn nổi tiếng của Philippines. Thực tế, tên thật của vị thị trưởng là Francisco Domagoso, còn cái tên Isko Moreno chỉ là nghệ danh.

Nhờ danh tiếng một ngôi sao truyền hình, Moreno bước vào con đường chính trị năm 1998 với tư cách cố vấn cho thành phố Manila. Năm 2007, Moreno được bầu làm phó thị trưởng Manila, trước khi trở thành thị trưởng năm 2019.

Giống với Tổng thống Duterte, Thị trưởng Moreno là một chính trị gia dân túy, nhưng có phong cách rất khác.

"Ông ấy đại diện cho điều mà tôi muốn gọi là kiểu dân túy lịch sự", giáo sư Heydarian nói, cho biết ông Moreno theo đuổi đường lối trung dung và đôi lúc có những chính sách cấp tiến.

tong thong philippines duterte anh 4

Thị trưởng Manila Isko Moreno. Ảnh: Rappler.

Một cái tên đáng chú ý khác là Phó tổng thống đương nhiệm Leni Robredo.

Tại Philippines, chức danh tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng rẽ, người chiến thắng hai vị trí này thậm chí có thể đến từ các đảng đối lập nhau.

Là một luật sư nhân quyền, bà Robredo thường xuyên đăng đàn chỉ trích chính quyền ông Duterte. Phó tổng thống ra mặt chống đối cuộc chiến ma túy, gọi những hành vi bạo lực là "vô lý".

Năm 2019, Tổng thống Duterte chỉ định Phó tổng thống Robredo làm phó chủ tịch cơ quan chống ma túy của chính phủ. Nhưng chỉ 3 tuần sau đó, ông Duterte cách chức bà vì gặp gỡ các tổ chức quốc tế.

Phó tổng thống Robredo cũng được chú ý bởi những đóng góp cho phong trào bình đẳng giới và quyền phụ nữ.

Trong tuyên bố tranh cử hôm 7/10, bà Robredo kêu gọi cử tri đoàn kết ủng hộ bà vì mục tiêu mang lại "cơ hội công bằng" cho mọi người dân trong tương lai.

Cái bóng của Tổng thống Duterte

Sự quan tâm của cử tri đang dành cho các ứng viên đã chính thức tuyên bố tranh cử, nhưng không ai trong số họ dẫn đầu các cuộc thăm dò. Theo giáo sư Heydarian, ứng viên tổng thống giàu tiềm năng nhất là Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống Duterte.

Cho đến ngày 8/10, bà Duterte-Carpio vẫn chưa tuyên bố chạy đua tổng thống, thay vào đó, nữ chính trị gia đã nộp giấy tờ tranh cử chức thị trưởng thành phố Davao.

Trong tuyên bố hôm 4/10, người phát ngôn của Duterte-Carpio cho biết bà "không có ý định" lãnh đạo đảng PDP-Laban của cha mình.

Nhưng theo quy định, việc nộp hồ sơ tranh cử thị trưởng giúp bà Duterte-Carpio có thời hạn tới ngày 15/11 để cân nhắc chuyển sang tranh cử tổng thống. Năm 2016, ông Duterte cũng sử dụng chiến thuật tương tự và giành chiến thắng.

Các chuyên gia nhận định Duterte-Carpio có nhiều điểm khác so với Tổng thống Duterte. Nữ chính trị gia cởi mở hơn trước ý kiến của các chuyên gia và đưa ra những quyết định thận trọng, thay vì phong cách bốc đồng của người cha.

tong thong philippines duterte anh 5

Bà Sara Duterte-Carpio và Tổng thống Duterte. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng bà Duterte-Carpio thắng cử đồng nghĩa Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục duy trì kiểm soát chính trường Philippines sau khi nhiệm kỳ hiện nay của ông kết thúc.

Hôm 2/10, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ nghỉ hưu và rút khỏi chính trường sau khi nhiệm kỳ kết thúc. Tuyên bố này trái với những úp mở trước đó rằng ông Duterte sẽ tranh cử chức phó tổng thống.

Nhà báo Ressa cho biết bà không tin ông Duterte sẽ nghỉ hưu. Năm 2016, ông Duterte từng có tuyên bố tương tự, nhưng rồi lại ra tranh cử tổng thống và chiến thắng.

Con trai nhà cựu độc tài Philippines gây phẫn nộ vì ra tranh cử

Ferdinand Marcos Jr., con trai độc nhất của cố Tổng thống Philippines Marcos, đã ra ứng cử vào ngày 6/10 với tuyên bố sẽ giúp đất nước đẩy lùi dịch Covid-19.

Tổng thống Duterte: Nếu ai phải vào tù, người đó sẽ là tôi

Tổng thống Rodrigo Duterte nói ông sẽ chuẩn bị cho phần biện hộ đối với cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi ở Philippines.

My va Israel 'ran nut' hinh anh

Mỹ và Israel 'rạn nứt'

0

Chiến dịch quân sự của Israel ở Lebanon đã được tiến hành bất chấp sự phản đối của Washington, đồng thời gây chia rẽ nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm