Cuộc đua không gian bùng lên tại Bắc Á
Mỹ và Liên Xô gây ra cuộc cạnh tranh không gian đầu tiên trên thế giới nhưng hơn nửa thế kỷ sau, cuộc đua khác bùng nổ ngay trong khu vực Bắc Á, đặc biệt là sau vụ phóng vệ tinh của Hàn Quốc.
Ông Daniel Pinkston, Phó giám đốc dự án Đông Bắc Á thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc cho biết: “Theo một nghĩa nào đó, cuộc đua không gian đã diễn ra. Trung Quốc đã rất tích cực trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng tỏ ra không kém cạnh".
Bối cảnh khu vực
Trung Quốc tuyên bố, nửa cuối năm 2013, nước này sẽ phóng tàu lên mặt trăng và đưa một chiếc xe tự hành xuống bề mặt vệ tinh duy nhất của trái đất. Đây là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chinh phục không gian mà các nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực đạt tới.
Tên lửa Naro của Hàn Quốc đưa vệ tinh vào quỹ đạo. |
Trong tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản cũng lần đầu đưa ra chiến lược không gian nhằm giám sát các chính sách chinh phục vũ trụ của đất nước và quản lý các nguồn ngân sách liên quan. Đây là lần đầu tiên chính sách thăm dò khoảng không vũ trụ của Nhật Bản được văn phòng nội các đề cập trực tiếp.
Vào ngày 12/12 năm ngoái, Triều Tiên chính thức góp mặt trong hàng ngũ các cường quốc không gian, khi phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang theo vệ tinh thời tiết Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo trái đất trước sự ngỡ ngàng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Nó không chỉ cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng mà còn là thành tựu đáng tự hào của một quốc gia luôn bị cấm vận mọi mặt.
Như để đáp lại hành động của người láng giềng Bình Nhưỡng, Seoul đã tiến hành phóng thành công tên lửa đẩy Naro, đưa vệ tinh khoa học vào không gian. Vụ việc đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới sở hữu công nghệ chinh phục không gian và là quốc gia thứ 5 tại châu Á làm được điều này.
Cuộc đua không gian - nền tảng cho chạy đua vũ trang
Dù tất cả các nước đều khẳng định, họ theo đuổi chương trình chinh phục không gian nhằm phục vụ mục đích hòa bình nhưng không ít chuyên gia và các nhà phân tích quan ngại, đây là nền tảng cho một cuộc đua vũ trang mới trong khu vực, khi các quốc gia tham vọng sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên trong lần phóng vệ tinh tháng 12 năm ngoái. |
“Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ngân sách dành cho quốc phòng của các nước cứ tăng lên hàng năm. Đối với Nhật Bản, con số này dưới 1% tổng GDP nhưng ở Hàn Quốc là 2,5% trong khi ở Triều Tiên là rất lớn nhưng các nhà chức trách nước này từ chối đưa ra con số cụ thể. Đó là điều tối mật và vô cùng khó xác định”, ông Pinkston cho biết.
Việc Hàn Quốc vừa triển khai tên lửa đẩy Naro-3 với tầm bắn 800 km có thể khiến căng thẳng, vốn chưa khi nào lắng dịu trong khu vực, leo thang. Nếu được sử dụng để phục vụ mục đích quân sự, cụ thể là biến Naro trở thành tên lửa đạn đạo, nó có khả năng tấn công mọi khu vực ở Đông Á. Vốn là đồng minh thân thiết với Mỹ ở châu Á, các quốc gia bị Seoul coi là đối thủ đều thấp thỏm không yên.
Ông Cheong Wooksik, Giám đốc của Mạng lưới hòa bình Hàn Quốc trụ sở tại Seoul cho rằng: “Chính phủ Trung Quốc quan ngại việc Mỹ sử dụng Hàn Quốc như là chiến lược ngăn chặn đầu tiên. Hàn Quốc mở rộng phạm vi của các tên lửa đạn đạo giúp Mỹ có thể kiểm tra hoặc đe dọa tới các động thái của Trung Quốc”.
Với việc phóng thành công tên lửa Naro-3, đưa vệ tinh vào quỹ đạo, Hàn Quốc đã chứng tỏ với thế giới rằng, những khu vực trọng yếu của Trung Quốc ở bờ Đông bao gồm Trung tâm tài chính Thượng Hải, thành phố và các cảng phía đông bắc Thiên Tân và Thanh Đảo cũng như Thủ đô Bắc Kinh đều nằm dưới tầm tấn công của Seoul.
Trịnh Duy
Theo Infonet