Hàn Quốc phóng tên lửa, cạnh tranh với Triều Tiên
Tên lửa dân sự đầu tiên của Hàn Quốc, mang theo một vệ tinh khoa học vừa được phóng vào không gian trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên leo thang. Bình Nhưỡng đã hoàn thành sứ mệnh tương tự vào tháng 12 năm ngoái.
Tên lửa mang vệ tinh của Hàn Quốc vừa được phòng vào quỹ đạo chiều nay. |
Quân đội Hàn Quốc triển khai hai tàu khu trục hạng nặng, Aegis hay còn gọi là KSLV-1 với hệ thống radar tối tân nhất hiện nay để theo dõi tên lửa Naro, được phóng từ một trung tâm vũ trụ của nước này ở bờ biển phía nam vào lúc 15h hôm nay.
Một trong hai khu trục Aegis theo dõi giai đoạn đầu tiên khi tên lửa rời bệ phóng và tách tầng thứ nhất, tàu còn lại theo dõi đường bay của tầng thứ 2 của tên lửa. Theo tin báo, giai đoạn tách tầng trước khi vào quỹ đạo của tên lửa đã thành công. Đây là tín hiệu đáng mừng khi các vụ phóng trước đó đã thất bại chỉ vài phút sau khi tên lửa được phóng lên.
Ngoài ra, Hải quân Hàn Quốc cũng huy động nhiều khu trục hạm, tàu tuần tra cao tốc, tàu cứu hộ để giúp đỡ và di chuyển tàu dân sự khỏi khu vực biển nằm trên đường bay của tên lửa. Trên bầu trời, máy bay cảnh báo sớm Peace Eye cũng được triển khai để theo dõi tên lửa.
Đây là lần thứ 3 Hàn Quốc nỗ lực phóng tên lửa dân sự mang vệ tinh vào quỹ đạo trong 4 năm qua. Hai nỗ lực trước đó đã bị hủy bỏ vào phút chót năm ngoái do trục trặc kỹ thuật.
Chương trình tên lửa của Seoul đã chọc giận chính quyền Bình Nhưỡng, vốn đang mạnh mẽ lên án các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với vụ phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo của họ hồi tháng 12 năm ngoái là vô lý. Bình Nhưỡng tuyên bố, họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ phóng tên lửa Hàn Quốc – động thái được cho là không muốn bị tụt hậu sau Triều Tiên.
Theo truyền thông Trung Quốc, Naro là loại tên lửa 2 tầng, nặng 140 tấn, dài 33 m và đường kính thân tên lửa là 2,9 m. Tầng thứ nhất của Naro do Nga sản xuất với lực đẩy 170 tấn, tầng thứ 2 dùng công nghệ Hàn Quốc với lực đẩy 8 tấn. Từ trước tới nay, Hàn Quốc luôn bị đánh giá là thua xa các láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực chế tạo tên lửa không gian đưa vệ tinh vào quỹ đạo và phải dựa nhiều vào nước ngoài, bao gồm Nga để có thể hoàn thành các vụ phóng.
Phương Đăng
Theo Infonet