Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đối đầu lớn ở Ấn Độ Dương

Sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đã mang đến thách thức cho Ấn Độ trong việc duy trì tầm ảnh hưởng tại vùng biển chiến lược này.

Trung Quoc va An Do anh 1

Chỉ có một đại dương trên thế giới được đặt theo tên một quốc gia, Đô đốc Hari Kumar, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, nêu lên trong bài phát biểu hôm 21/9, theo Nikkei Asia.

"Với ba mặt là nước và dãy Himalaya ở phía bắc, Ấn Độ nằm trong lòng Ấn Độ Dương”, ông nhấn mạnh.

Vì các lối vào và lối ra được phân chia thông qua những vị trí án ngữ ở cả phía đông và phía tây, ông cho rằng "tính chất độc đáo của khu vực Ấn Độ Dương mang lại cho Ấn Độ một lợi thế về mặt địa lý".

“Tuy nhiên, nó cũng mang đến một nhiệm vụ khó khăn khi phải xoay xở giữa nhiều thách thức và mối đe dọa an ninh khác nhau”, ông cảnh báo. Và những thách thức đó đều đến từ một cái tên: Đó là Trung Quốc.

Thách thức từ phía Trung Quốc

Bắc Kinh đã bán, trao tặng hoặc đang đàm phán để chuyển giao tàu ngầm cho Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Thái Lan - những quốc gia bao quanh Ấn Độ. Điều đó khiến giới phân tích phải cân nhắc đến những hàm ý mang tính chiến lược tiềm tàng.

Trong khi đó, tại bất kỳ thời điểm nào, có "khoảng 5-8 đơn vị hải quân Trung Quốc" ở Ấn Độ Dương, ông Kumar nói.

Darshana Baruah, lãnh đạo Sáng kiến ​​Ấn Độ Dương tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng trong khi lợi ích chính của Trung Quốc là ở phía tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương lại là nơi họ có nhiều điểm nhạy cảm.

Theo bà, trong số 10 quốc gia vốn cung cấp 3/4 dầu thô cho Trung Quốc, 9 nước dựa vào con đường an toàn, ổn định trên Ấn Độ Dương để vận chuyển hàng hóa của họ.

"Khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các tham vọng hàng hải, việc kiểm soát Ấn Độ Dương sẽ trở thành một ưu tiên”, bà nói. Điều đó cũng có thể giải thích cho sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Về phần mình, New Delhi cũng thể hiện sự không hài lòng về hoạt động điều tàu thuyền của Trung Quốc trong khu vực. Khi tàu do thám Yuan Wang 5 của Trung Quốc thăm cảng Hambantota của Sri Lanka ngày 16-22/8, một cuộc khẩu chiến gay gắt đã nổ ra giữa các phái bộ của Trung Quốc và Ấn Độ tại Colombo.

Con tàu này có khả năng theo dõi vệ tinh và tên lửa xuyên lục địa, theo AFP. Nhiều trang phân tích mô tả Yuan Wang 5 là một tàu nghiên cứu và khảo sát, nhưng theo truyền thông Ấn Độ, nó là một tàu do thám lưỡng dụng.

Trung Quoc va An Do anh 2

Tàu do thám Trung Quốc Yuan Wang 5 cập cảng Hambantota (Sri Lanka) vào ngày 16/8. Ảnh: AFP.

Ấn Độ đã phản đối động thái này, khiến Sri Lanka từng yêu cầu Trung Quốc hoãn chuyến thăm. Tuy nhiên, cuối cùng, Sri Lanka đã cho phép con tàu này cập cảng.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển nhiều cảng ở các nước xung quanh Ấn Độ - bao gồm cả cảng Hambantota - đã thu hút sự chú ý trong nhiều năm. Cảng này hiện được Bắc Kinh kiểm soát theo hợp đồng thuê 99 năm.

Được mệnh danh là "chuỗi ngọc", các cảng này bị nghi ngờ là có tính chất lưỡng dụng, khi nhiều người cho rằng hải quân Trung Quốc một ngày nào đó có thể sử dụng chúng như tiền đồn.

Ngoài ra, việc chào bán tàu ngầm càng làm dấy lên nghi ngờ. Nhiều người đã đặt câu hỏi về sự hiện diện của Trung Quốc ở các nước này với danh nghĩa cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu ngầm.

Pankaj Jha, giáo sư tại Đại học O. P. Jindal Global (Ấn Độ), cho biết Trung Quốc đã lập bản đồ đáy Ấn Độ Dương trong 2-3 năm qua vì họ đang tìm cách tạo ra một hệ sinh thái quân sự trên biển.

"Họ muốn xem xét những gì đang xảy ra tại các cảng khác nhau trên khắp khu vực Nam Á”.

Những thương vụ đáng quan ngại

Tuy nhiên, nhiều kế hoạch của Bắc Kinh đã không đi đúng hướng, trong đó có thỏa thuận đang bị đình trệ liên quan đến việc cung cấp tàu ngầm cho Thái Lan.

Trung Quốc cũng đã bán tàu ngầm cho Pakistan và Bangladesh, nhưng điều kiện kinh tế của các nước này có cho phép họ duy trì một hạm đội tàu ngầm đắt tiền - và hợp tác với Bắc Kinh - hay không thì vẫn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, David Brewster, nhà nghiên cứu cấp cao của Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết ông không tin Thái Lan, Bangladesh hay Myanmar sẽ cho phép tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận cảng của họ, ngay cả trong thời bình. Theo ông, điều đó có thể làm xáo trộn mối quan hệ với Mỹ, Ấn Độ và những nước khác.

Tuy nhiên, theo ông Brewster, Pakistan thuộc một trường hợp rất khác. "Quốc gia này thường xuyên cho phép tàu ngầm Trung Quốc đến thăm, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân, và đang phát triển các cơ sở bảo dưỡng tàu ngầm ở Karachi".

Trung Quoc va An Do anh 3

Hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tập trận bên vịnh Bengal vào năm 2017. Ảnh: USS NIMITZ.

V.K. Chaturvedi, một trung tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang Ấn Độ, nói rằng Trung Quốc từ lâu đã cố gắng kiềm chế nước này. Ông nhận định rằng bất kỳ động thái cung cấp tàu ngầm hoặc thiết lập bước đệm thông qua các thương vụ mua bán đó "chắc chắn là một vấn đề đáng quan ngại”.

Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ có tranh chấp ở trên biển, mà còn cả ở khu vực đồi núi. Hai nước đang bị kẹt trong một cuộc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai bên trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020. Vụ việc này khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc tử vong, theo CNN.

Harsh V. Pant, giáo sư tại King's College London, nhận định Trung Quốc không có những lợi thế địa lý như Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, ông nhận định nếu xu hướng hiện đại hóa và mở rộng sức mạnh hải quân của Trung Quốc tiếp tục, sẽ có nguy cơ Ấn Độ mất lợi thế đó.

"Hiện tại, Ấn Độ đang có vị thế tốt, nhưng 10 năm sau liệu Ấn Độ có còn giữ được ưu thế đó không? Đó thực sự là một câu hỏi", ông nói.

Một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Trung Quốc có thể là hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân ngày càng tăng của nước này.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. Những con số đó được dự đoán còn tăng.

Mỹ - Nhật lên án hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên án hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, trong cuộc gặp tại Tokyo, vào ngày 26/9.

Ấn Độ, Trung Quốc lên tiếng về giải pháp cho chiến sự ở Ukraine

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều kêu gọi các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho chiến sự ở Ukraine.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm