Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đối đầu lâu dài giữa Putin và tài phiệt Khodorkovsky

Thế đối đầu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Mikhail Khodorkovsky bùng lên từ năm 2003 và sẽ còn kéo dài với việc nhà tài phiệt vừa bị cáo buộc liên quan tới một vụ ám sát.

Theo RIA, ngày 11/12, Ủy ban Điều tra Nga cho biết đã phát hiện một số bằng chứng cho thấy ông Khodorkovsky dính líu tới vụ sát hại Vladimir Petukhov, thị trưởng Nefteyugansk (Siberia). Đây là thành phố mà tập đoàn dầu khí Yukos đặt trụ sở hồi năm 1998. Chính quyền Moscow còn cáo buộc Khodorkovsky mưu sát doanh nhân Yevgeny Rybin năm 1999. Ông Rybin thoát chết nhưng vệ sĩ riêng bị giết.

Cựu giám đốc an ninh Yukos, Alexei Pichugin đã phải ngồi tù chung thân vì tội giết hại ông Petukhov. Tuy nhiên các nhà điều tra Nga khẳng định nhiều khả năng chính  Khodorkovsky đã ra lệnh cho ông Pichugin hạ sát ông Petukhov.

Trước đó Điện Kremlin từng nhiều lần bày tỏ nghi ngờ ông Khodorkovsky nhúng tay vào các tội ác này, nhưng chưa công bố bằng chứng cụ thể. Khodorkovsky bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc. Hồi đầu tuần, Ủy ban Điều tra yêu cầu ông Khodorkovsky về Nga để hợp tác điều ra vụ án Petukhov.

Ngay sau đó, Khodorkovsky mở cuộc họp báo tại London (Anh), lên án Tổng thống Vladimir Putin “đã đẩy nước Nga vào tình thế đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng”. Ông chỉ trích Điện Kremlin “theo đuổi chính sách đối ngoại tự sát, áp dụng các điều luật phi pháp và truy tố công dân trong những tòa án tham nhũng”.

Hơn 10 năm thù hận

Nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky. Ảnh: AP

Trước khi bị bắt hồi tháng 10/2003, ông Khodorkovsky là nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga với khối tài sản vào khoảng 8 tỷ USD. Tập đoàn Yukos là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai tại Nga. Khodorkovsky xuất thân từ Đoàn Thanh niên cộng sản Lenin (Komsomol), bắt đầu kinh doanh trong thập niên 80 và từng là cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước diễn ra. Khodorkovsky mua được hàng loạt giếng dầu ở Siberia. Tập đoàn Yukos trở nên lớn mạnh. Năm 2000, Tổng thống Putin mới lên nắm quyền bắt đầu mở chiến dịch hạn chế quyền lực của các nhà tài phiệt đã kiếm lợi kếch xù từ quá trình chuyển đổi kinh tế tương tự như Khodorkovsky.

Thực tế, trong số hàng loạt nhà tài phiệt Nga, chỉ Khodorkovsky bị bắt giam và phải ngồi tù lâu năm. Tất cả bắt đầu từ hồi tháng 2/2003, khi ông Putin triệu tập các doanh nhân hàng đầu nước Nga tới Điện Kremlin để thảo luận về nạn tham nhũng. Trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp, Khodorkovsky khẳng định 49% người Nga tin rằng nạn tham nhũng đã xâm nhập cấp cao nhất trong chính phủ.

Ông cáo buộc Điện Kremlin tham nhũng và rửa tiền hàng trăm triệu USD từ hợp đồng bán một cơ sở dầu khí. Giới quan sát nhận định đó là cú đòn vỗ mặt của Khodorkovsky đối với ông Putin. Sự đối đầu bùng lên từ đó. Nhưng không chỉ có thế. Nhà tài phiệt Khodorkovsky còn là một mối đe dọa chính trị đối với Điện Kremlin.

Tập đoàn Yukos có kế hoạch xây một hệ thống đường ống dẫn dầu với Trung Quốc, có thể qua mặt hệ thống Transneft của chính phủ Nga. Ông Khodorkovsky muốn sáp nhập Yukos với công ty dầu khí lớn Sibneft. Ngoài ra, Yukos còn đàm phán lập quan hệ đối tác chiến lược với các công ty Mỹ như Chevron/ Texaco và ExxonMobil.

Giới quan sát nhận định nếu các kế hoạch này thành hiện thực, ông Khodorkovsky “sẽ trở thành một thế lực độc lập trong địa chính trị thế giới”. Ảnh hưởng của ông Khodorkovsky và Yukos sẽ trở nên quá lớn. Chưa hết, Yukos thường xuyên vận động hành lang Duma Quốc gia Nga và ủng hộ các đảng đối lập. Ông Khodorkovsky còn đầu tư khoảng 60 triệu USD phát triển các tổ chức hoạt động xã hội bị xem là “phong trào chống Putin”.

Các quan chức Nga bày tỏ lo ngại về nguy cơ bất ổn trước khi Cách mạng Cam nổ ra ở Ukraine năm 2004. Giới quan sát nhận định Khodorkovsky trở thành “thách thức chính trị” đối với chính quyền Tổng thống Putin. Năm 2003, Điện Kremlin bắt đầu mở chiến dịch tấn công Yukos. Khodorkovsky bị bắt ngày 25/10/2003.

Cuộc đối đầu mới

Nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga bị truy tố tội lừa đảo, trốn thuế và bị xử tù chín năm hồi tháng 5/2005. Tháng 12/2010, Khodorkovsky tiếp tục bị kết tội biển thủ và rửa tiền. Sau khi Khodorkovsky bị bắt, Yukos sụp đổ. Sau 10 năm ngồi tù, Khodorkovsky được Tổng thống Putin ân xá. Theo Bloomberg, chính phủ Đức đã vận động Điện Kremlin trả tự do cho ông Khodorkovsky.

Theo đề xuất của cựu Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher, Khodorkovsky gửi hai lá thư cho ông Putin, một xin được ân xá chính thức, một giải thích ông muốn chăm sóc cho người mẹ bị bệnh và cam kết không tham gia chính trị. Trong cuộc họp báo ở Berlin (Đức) sau khi rời Nga, Khodorkovsky khẳng định ông không còn quan tâm đến kinh doanh hay chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Guardian

Trang Slon.ru dẫn lời nhà bình luận chính trị Nga Stanislav Belkovsky nhận định: “Ông Putin nhận ra rằng ông Khodorkovsky chẳng phải là một nhà cách mạng gì cả. Ưu tiên hàng đầu của ông Khodorkovsky ở phần còn lại của cuộc đời chỉ là không trở lại nơi ông ta đã sống 10 năm qua (nhà tù). Ông Putin biết chắc rằng ông Khodorkovsky không hề có ý định chống chính quyền Nga hay gây thiệt hại nghiêm trọng gì cho Nga ở phương Tây”.

Ngoài ra, việc trả tự do cho Khodorkovsky còn giúp cải thiện hình ảnh nước Nga trong mắt phương Tây trước thềm Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Nhưng  Khodorkovsky sau đó đã “thất hứa”. Mẹ ông qua đời hồi mùa hè 2014 và ông tuyên bố không còn bị ràng buộc với cam kết không tham gia chính trị. Cựu tỷ phú Nga chính thức thành lập phong trào “Nước Nga mở” hồi tháng 9/2014 với mục tiêu “thống nhất lực lượng Nga ủng hộ châu Âu nhằm thách thức chế độ của ông Putin”.

Kể từ đó, Khodorkovsky liên tục chỉ trích Tổng thống Putin và chính quyền Nga. Tháng 12/2014, báo Anh Guardian đưa tin ông Khodorkovsky “lên kế hoạch lật đổ người đàn ông đã tống ông ta vào tù suốt 10 năm”.

“Tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng chế độ ở Nga sẽ thay đổi. Tôi quyết tâm đi đến cuối con đường”, tờ Guardian dẫn lời ông Khodorkovsky.

Một cuộc đối đầu mới lại bắt đầu. Tháng 7/2014, tòa án ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết khẳng định chính phủ Nga cố tình phá hủy Yukos để tịch thu tài sản và yêu cầu Moscow bồi thường cho các cổ đông Yukos 50.000 tỷ USD. Gần 30.000 cựu nhân viên Yukos phải được hưởng lương hưu từ chính phủ. Nhưng Điện Kremlin không chấp nhận chi một đồng.

Báo chí sẽ còn được dịp xôn xao về “cuộc chiến” của ông Khodorkovsky chống lại Tổng thống Nga với các màn chỉ trích, trả đũa qua lại. Nhưng cán cân của cuộc chiến này quá chênh lệch. Tổng thống Nga Putin với tỷ lệ ủng hộ của người dân lên đến gần 90% sau việc sáp nhập Crimea và chiến dịch quân sự ở Syria. Vị thế của ông Putin vững vàng như bàn thạch bất chấp việc nền kinh tế Nga đang khủng hoảng bởi cấm vận phương Tây và giá dầu sụt giảm.

Với nguồn lực ít ỏi, ông Khodorkovsky có lẽ chỉ là một “hoạt náo viên” khiến chính trị Nga thêm phần màu sắc, dù báo chí có xôn xao vì ông bao nhiều lần đi chăng nữa.

12 tỷ phú nổi tiếng từng vướng vòng lao lý

Chủ tịch Tập đoàn Hyundai từng bị kết án 3 năm tù vì lạm dụng công quỹ nhưng chỉ phải ngồi tù vài tháng, nhờ những đóng góp cho xã hội và cam kết từ thiện 1 tỷ USD.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm