Tướng cướp giữa thời loạn
Nhưng việc làm nên tên tuổi Huỳnh Đáo chính là việc Huỳnh Đáo có thể vào tận sào huyệt, hay đột nhập vào nhà của những tướng tá cao cấp nhất tỉnh Quảng Tín hồi ấy như đi vào chốn không người mà không bị phát hiện, nếu như Huỳnh Đáo không để lại dấu hiệu thì chẳng ai biết mình đã bị mất thứ gì. Một điều đặc biệt là mỗi lần ra tay, Huỳnh Đáo đều “bắn tin” cho khổ chủ biết trước để đề phòng. Ấy vậy mà dù đề phòng cách nào cũng không thoát khỏi hành động xuất quỷ nhập thần của Huỳnh Đáo. Ông Trần Bảo cho biết: “Khi Huỳnh Đáo đã quyết tâm ra tay lấy thứ gì đó thì chẳng ai có thể giữ được. Ngay như Tỉnh trưởng Quảng Tín là đại tá Hoàng Đình Thọ cũng bị lấy mất khẩu col 49 ngay trong đêm tại phòng ngủ mà không hề hay biết, đủ thấy Huỳnh Đáo bản lĩnh cỡ nào!”
Kể về câu chuyện có thật ấy, ông Trần Bảo cho biết. Lúc ấy tên tuổi Huỳnh Đáo đã có tiếng trên giang hồ xứ Quảng, nhiều tay anh chị biết tiếng lặn lội từ Quy Nhơn, từ Huế đến thách đấu. Sau nhiều lần đều thua, giang hồ xứ Cố đô mới quyết định nếu Huỳnh Đáo lấy được khẩu col 49 luôn kè kè bên người của Đại tá Thọ thì họ mới phục. Huỳnh Đáo nghe thế chỉ cười khẩy rồi hẹn đúng sáng hôm ấy sẽ mang khẩu súng đến cho những tay anh chị này được mục kích. Trước khi ra tay, như thường lệ Huỳnh Đáo đã bắn tin cho Đại tá Thọ được biết rằng sẽ đến lấy khẩu súng quý của ông ta vào đêm hôm ấy. Nhận được tin, Đại tá Thọ hoảng hồn vì biết rằng khi Huỳnh Đáo muốn gì là y sẽ làm được. Thế là suốt ngày hôm ấy cho đến tận sáng hôm sau, khẩu col 49 luôn được giữ gìn cẩn thẩn, ngay cả lúc đi tắm, đi vệ sinh cũng không rời chủ nhân của nó.
Cùng với đó, quanh nhà Đại tá Thọ là tầng tầng lớp lớp kẽm gai có gắn điện cao thế, rồi từng đàn chó dữ và cả một trung đội cảnh sát liên tục tuần tra. Nhưng rồi đến nửa đêm, khi Đại tá Thọ đang mơ màng ngủ thì thấy bóng dáng một người thấp thoáng bên ngoài cửa sổ. Đại tá Thọ giật mình tỉnh dậy hò hét quân lính đuổi bắt người, đến lúc quay vào thì khẩu col 49 để dưới gối đã được thay bằng một khúc gỗ. Đại tá Thọ tức giận điếng người, nhưng chẳng thể nào bắt được hung thủ vì chẳng lẽ lại rêu rao rằng mình không giữ được khẩu súng là vật bất ly thân, mặc dù đã nhận được lời cảnh báo trước của tên trộm. Danh dự của người đứng đầu một tỉnh khiến Đại tá Thọ phải đổi giận làm vui.
Rồi buổi sáng hôm ấy, khắp từ đầu chợ đến cuối phố của thị xã Tam Kỳ rầm rĩ chuyện Huỳnh Đáo tàng hình vượt tường, vượt rào kẽm gai chăng đầy dây điện, qua mắt cả một trung đội cảnh sát và đàn chó dữ mà vẫn lấy được khẩu súng của đại tá Thọ. Giang hồ Đất Võ và Đất Cố đô thấy Huỳnh Đáo làm được những điều không thể như thế nên vô cùng khâm phục. Để chứng tỏ mình, Huỳnh Đáo còn nói sẽ trả lại khẩu súng cho đại tá Thọ mà không ai biết. Cũng với cái cách thường làm, đến lần này đại tá Thọ sợ toát mồ hôi hột vì nhà mình đã bị Huỳnh Đáo đột nhập đến hai lần. Chính sự việc đó đã khiến tên tuổi Huỳnh Đáo nổi như cồn thời bấy giờ, đến nỗi giang hồ xứ khác cũng phải phục sát đất, còn chính quyền ngụy thì tức tối nhưng không thể làm gì được.
Cũng từ việc đó, sau này mỗi lần có sự xuất hiện của Huỳnh Đáo ở đâu, là tướng tá và ngụy quyền đều phải đau đầu. Ở mảnh đất này còn có một quán caf, như bây giờ được gọi là “VIP”, đó là một ngôi nhà khang trang, có cửa kính rộng lớn, có máy lạnh và bàn ghế sang trọng, quán ấy có tên “Tây Nguyên” nằm đối diện Nhà thờ Thiên Chúa Giáo – Tam Kỳ. Quán này khi xưa người ta không gọi là “VIP” mà thường gọi là quán “sĩ quan”, bởi thực khách đa phần là những công chức, những sĩ quan VNCH hàng ngày sánh vai cùng “bồ nhí” và các cô gái điếm hạng sang. Trên lầu của quán cà phê này là nơi dành cho các sỹ quan cao cấp, có cả lính mỹ thường xuyên tụ tập đánh bạc sau mỗi lần nhận lương, thưởng hay sau mỗi trận đánh về. Biết được điều ấy, Huỳnh Đáo thường đến đây để “xin” ít tiền sinh sống quá ngày. Vì là sĩ quan cao cấp nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt, ấy vậy mà khi các tướng tá đang say sưa sát phạt nhau, Huỳnh Đáo thình lình xuất hiện bên cạnh, nói đôi ba câu rồi ung dung lấy tiền đi trước sự sững sờ của lính ngụy.
Vì quá biết tiếng tăm của Huỳnh Đáo nên mỗi lần Huỳnh Đáo xuất hiện “xin” tiền, là tướng tá ngụy đành dứt ruột đưa, bởi ngay chính Tỉnh trưởng Hoàng Đình Thọ còn phải e dè mỗi lẫn Huỳnh Đáo đến nhà hay đến Sở vụ xin, huống gì các cấp tướng tá dưới quyền. Tiền lấy được Huỳnh Đáo chia cho anh em bạn hữu chứ không tiêu xài một mình. Chính vì thế đàn em dưới trướng Huỳnh Đáo rất đông phải tới con số 100, đấy là chưa kể những “đệ tử nửa mùa” ăn theo tên tuổi Huỳnh Đáo.
“Bạch Hải Đường xứ Quảng”
Những vụ cướp của Huỳnh Đáo không chỉ giới hạn trong phạm vi Quảng Tín, mà còn mở rộng ra khu vực Quảng Đà, Quảng Ngãi và có nhiều vụ rất lớn. Như vụ đột nhập vào một tiệm kim hoàn ở Quảng Ngãi lấy đi toàn bộ số tài sản có giá trị của một tên thượng tá ngụy quân mở ra, hay như vụ đột nhập vào sân bay Chu Lai... đều được người đời truyền tụng. Có một điều đặc biệt là Huỳnh Đáo không bao giờ lấy của người dân, mà chủ yếu lấy của chính quyền ngụy, hay những tướng tá ngụy mà Huỳnh Đáo biết là có nhiều tiền.
Chỉ một lần duy nhất Huỳnh Đáo mượn của một người dân, nhưng sau đó trả lại gấp mười lần. Lần đó, Huỳnh Đáo đi ra Huế về, trên người không còn một cắc bạc nào trong khi vợ một người bạn đang trong nhà hộ sản. Bí kế vì không thể ra tay ngay lúc này được, trong đêm Huỳnh Đáo bèn gõ cửa một hiệu buôn tại khu vực Cầu Cống để hỏi mượn tiền. Khi chủ hiệu biết người mượn tiền của mình là tướng cướp khét tiếng đã rất hồ hởi mang ra. Chỉ đến tối hôm sau, Huỳnh Đáo xuất hiện trở lại với một bọc tiền gấp mười lần số tiền mượn đêm hôm trước cùng với lời cảm ơn.
Việc Huỳnh Đáo cướp của chính quyền ngụy rồi chia cho dân nghèo được rất nhiều người biết tới. Đặc biệt là vụ cướp mấy xe gạo chở từ Bình Định ra Huế trong khi người dân xứ Quảng đang đói được nhiều người truyền nhau. Và với việc làm đó, Huỳnh Đáo được giới giang hô xưng tụng là “Bạch Hải Đường của xứ Quảng”. Hỏi về chuyện ấy có thật hay chỉ là lời đồn đại, ông Trần Bảo khẳng định là chính xác. Ông Bảo không nhớ rõ đó là năm nào, nhưng khoảng năm 1970-1971, khi ấy xứ Quảng mất mùa, người dân đói khổ nhiều trong khi gạo trắng lại được chở ra và bán với giá cắt cổ, người dân nghèo không có tiền mua. Bực bội trước hiện trạng ấy, Huỳnh Đáo quyết định ra tay.
Khi nắm rõ có một chuyến hàng gồm nhiều xe chở gạo từ Bình Định ra Huế, Huỳnh Đáo chỉ đạo đàn em và đệ tử mình tiến hành tập kích. Khi đoàn xe chạy tới cầu Bà Bầu (địa phận xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành bây giờ), đàn em của Huỳnh Đáo xông ra khống chế lính áp tải, sau đó yêu cầu đưa toàn bộ xe hàng chở gạo về Tam Kỳ. Tại khu Tứ Hiệp (nay là KP 6, Phường An Mỹ, TP Tam Kỳ), bà con nhân dân nô nức đi nhận gạo phát chẩn của tướng cướp khét tiếng ấy. Một xe gạo còn lại được chở về Kỳ Thịnh (Phú Ninh hiện nay), nơi Huỳnh Đáo sống tuổi thơ để phát gạo cho bà con. Đến lúc này mọi người dân Kỳ Thịnh mới biết tướng cướp khét tiếng làm điên đảo chính quyền ấy là Huỳnh Đáo.
Sau vụ cướp gạo phát chẩn cho người dân ấy, chính quyền ngụy đã liệt Huỳnh Đáo vào những đối tượng cần diệt trừ khẩn cấp. Nhưng không biết bao nhiêu lần vây bắt, tổ chức ám sát đều không được bởi Huỳnh Đáo là bạn thân thiết của những trinh sát dữ dằn nổi tiếng thời ấy như trinh sát Hai, trinh sát Sáu... Có những tin đồn thổi mang màu sắc mê tín dị đoan như tướng cướp này có khả năng “xuất quỷ nhập thần” và “giác quan thứ sáu” của y có thể biết trước mọi kế hoạch vây bắt của chính quyền nên hắn không thể sa lưới. Nhưng rồi, trong một lần bất cẩn, và vì “người vợ hờ” của mình, Huỳnh Đáo đã tự sát trước sự bao vây của một đại đội cảnh sát và quân lính, kết thúc cuộc đời của tướng cướp nổi danh xứ Quảng…