Ở nghĩa địa trường bắn Long Bình (TP.HCM) có nhiều “kền kền” trộm xác tử tù, nhưng người nổi tiếng và có thể gọi là “trùm phu mộ”, chính là ông Ba Son. Giờ ông Ba Son đã giải nghệ, suốt ngày ngồi trầm ngâm ở mấy quán cà phê rồi lang thang câu cá ở những hồ lớn quanh Đồng Nai, Sài Gòn.
Ông sống một mình trong căn nhà cấp 4, nằm ngay cạnh nghĩa trang của phường. Ông Ba Son tính tình thẳng như ruột ngựa, chẳng sợ trời đất gì nên chẳng giấu diếm công việc quái đản của mình, đó là trộm xác chết tử tù.
Ông bảo nghề “trộm xác” bám riết đời ông suốt mấy chục năm qua, đó là duyên phận, dù muốn dù không ông vẫn phải làm. Mấy năm nay, thấy đã có tuổi, lại thêm trường bắn đóng cửa, tử tù không được đưa về để hành quyết nữa, ông đã tuyên bố giải nghệ.
Ông Ba Son bảo, nghề của ông là nghề độc, nghề không dành cho những người yếu bóng vía nên trước đây chẳng ai dám làm. Bởi một mình một sân nên thu nhập cũng thuộc dạng… khủng, hơn cả cát sê của những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng ở đất Sài thành.
Trường bắn Long Bình được thành lập từ năm 1976. Theo ông Son thì tử tù “xông đất” trường bắn này là một giang hồ mà nhiều người nghe tên đều thấy sợ hãi. Hắn là Phạm Bá Y, (tức Y “cà-lết”, một tướng cướp khét tiếng, người từng hạ sát trùm giang hồ Sơn Đảo).
Một mộ tử tù bị trộm xác |
Bản tính hiếu động, gan lì nên ban đầu, thấy có người nhờ thì ông giúp không công. Chính ông đã bới xác tử tù Phạm Bá Y. Sau này, trường bắn đông khách, có tháng đến cả chục tử tù được đưa về tựa cột, được nhờ nhiều nên ông đã ra giá kiếm tiền.
Trong suốt mấy chục năm theo nghề, ông bảo, ông thích nhất những “khách hàng” có thân nhân là tử tù vướng vào các tội danh liên quan đến kinh tế. Những khách hàng này tiền nhiều như nước, trả thù lao cho ông hậu hĩnh lắm. Còn với những khách hàng có thân nhân là tử tội vướng án hình sự, đầu trộm đuôi cướp thì gia cảnh cũng chẳng khá khẩm gì, ông làm cũng chỉ vì tình vì nghĩa.
Theo ông Ba Son, sau mỗi ca hành quyết, thân nhân tử tù thường đến nhờ ông tôn tạo lại mộ phần cho người phải đền tội ác. Nói là tôn tạo mộ nhưng việc này cũng… kinh khủng lắm.
Sau khi bắn xong, người mang án tử cũng được chôn cất tử tế ở những hố đã đào sẵn và được cắm bia, ghi rõ tên tuổi, ngày sinh, ngày mất. Thế nhưng, không yên tâm, gia đình tử tù vẫn nhờ ông chôn cất lại.
Theo đó, ông phải khai quật một lên, tháo dây cột quanh người, thay quần áo, tắm rửa bằng nước thơm và lấy bông gòn bịt vào những lỗ thủng trên thi thể tử tù do đạn bắn.
Sau đó, nếu gia đình nào có điều kiện thì sẽ thay cho tử tội bộ áo quan khác bền đẹp hơn, còn không thì ông lại bế thi thể đã bốc mùi ấy vào bộ áo quan “ăn theo tiêu chuẩn” đó và chôn lại. Thường thì mỗi ca như vậy, ông được thân nhân tử tù bồi dưỡng từ 3-5 triệu đồng.
Ông Ba Son bảo, tiền thù lao đó, sau khi chia cho anh em thì cũng chỉ đủ cho ông uống cà phê và tiêu xài hằng ngày chứ không ra tấm ra món. Ông thích những phi vụ trộm xác hơn bởi từ những phi vụ này, ông có thể bỏ túi mấy chục triệu đồng.
Ông Ba Son kể chuyện trộm xác tử tù. |
Mấy chục năm làm “kền kền” ở trường bắn, ông Ba Son biết, những người đến nhờ ông trộm xác tử tù thường là những gia đình giàu có, xuống tiền không bao giờ phải nghĩ suy, tính toán.
Ông Son bảo, ông chính là đạo diễn chính trong việc đưa xác của các tử tù như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh (vụ Tamexco) và Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng (vụ EPCO- Minh Phụng) bị tử hình năm 2003 ra khỏi trường bắn.
Với những nhân vật cỡ bự này, ông Ba Son kể, khi gặp ông, thân nhân những người này chỉ bảo ông ráng làm cho tốt còn tiền bạc không thành vấn đề. Bởi thế khi đưa xác những tử tội trong vụ Tamexco ra khỏi trường bắn, ông và những “cộng sự” của mình đã chia cả trăm triệu đồng.
Để hợp đồng được thực hiện một cách trót lọt, theo ông Ba Son, ông không thể nào ăn cả được. “Phải chia nhiều lắm chứ, hợp đồng cả trăm triệu đấy nhưng mình có lấy được đâu, chia dọc chia ngang khi mang về còn có mấy triệu. Không chia thì làm sao lấy xác ra được”, ông Ba Son nói giọng đầy bức xúc.
Nhắc đến phi vụ trộm xác tử tù P., ông Ba Son bảo đây là vụ “áp phe” đã để lại cho ông nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Theo “hợp đồng” với người nhà đại gia từng gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỉ đồng này thì sau khi xác P. được đưa ra khỏi trường bắn, “đội quân kền kền” của ông Ba Son sẽ được trả 120 triệu đồng.Tuy nhiên, khi công việc đã xong, đến lúc thanh toán tiền thì rất nhiều “thành phần” không “dính máu” cũng đến đòi… chia phần.
Chia đều cho họ, đến lượt mình, còn mấy triệu trong tay, ông Ba Son đã ngậm ngùi: “Các anh làm thế coi sao được, công tôi như thế mà được có ngần này à, thôi các anh lấy luôn đi”. Nghe ông than vãn thế, người nhà P. đã dúi cho ông thêm ít nữa và bảo: “Chú Ba không lo đâu, công lao của chú Ba tôi biết”. Tưởng họ nói vậy chỉ để động viên nào ngờ…
Sau đó chừng một tháng, một buổi sáng đang nhâm nhi cà phê, người nhà của P. gọi nói rằng mời ông ra quán cà phê trước đây hai người từng ngồi để nói chuyện.
Ngỡ tưởng việc bốc xác P. có chuyện gì không phải, ông ra mà nơi hẹn mà tim đập chân run. Tới nơi, mời ông gói thuốc lá thơm, “đối tác” của ông bảo: “Mấy lần tính đến cám ơn chú Ba nhưng bận quá nay mới tới được, chú Ba thông cảm nhé”.
Nói rồi, người ấy dúi vào tay ông chiếc phong bì. Khi người khách ấy đi khỏi, cầm phong bì trong tay thấy mỏng, ông đoán hơn triệu bạc nên cũng chả bóc.
Về nhà, nằm dài trên ghế, nhớ tới món quà ấy, ông mới lần dở ra xem. Và, ông đã rú lên sung sướng khi thấy trong phong bì ấy là 20 tờ tiền Mỹ, mỗi tờ có mệnh giá là 100 USD. Ông Ba Son bảo, đã mấy lần ông định gọi điện cảm ơn người hảo tâm đó nhưng điện thoại đều không liên lạc được.
Vụ lấy xác Năm Cam và đồng bọn ra khỏi nghĩa địa trường bắn Long Bình cũng rất đáng nhớ. Ông Ba Son tiết lộ, riêng việc mang xác ông trùm giang hồ ấy ra khỏi trường bắn, thân nhân của Năm Cam đã phải chi 200 triệu đồng cho “đội quân kền kền”.
Tuy tiền đè chết người nhưng ông Ba Son đã từ chối vụ đó. Ông bảo, giữa ông và ông trùm Năm Cam là chỗ quen biết nên đứng ra làm không tiện nên ông chuyển cho các chiến hữu của mình. Tuy nhiên, khi mọi việc xong xuôi, đám lâu la ấy cũng “lại quả” cho ông 5 triệu gọi là tiền môi giới.
Ông Ba Son bảo, ở trường bắn Long Bình, sẽ chẳng có xác tử tù nào có giá cao như Năm Cam nữa. “Nếu gia đình họ có điều kiện thì họ đã đưa thân nhân của mình về từ lâu rồi chứ chả để ở đó làm gì. Phải nằm lại đây đa phần là những tử tù ở xa, nhà nghèo nên không đưa về được”, ông Ba Son nhận định.
Có lẽ, ngoài tuổi tác và sức khỏe, chính bởi lý do trên mà ông đã tuyên bố rửa tay gác kiếm, từ bỏ cái nghề độc dị có thể kiếm bộn tiền này.