Theo anh Sơn, trước đây, khu nghĩa địa của người Tàu rất hoang vu, toàn cây cối rậm rạp. Trong nghĩa địa có một số cây ổi, bưởi, hồng xiêm. Cây nào cũng sai quả, tuy nhiên, chẳng ai dám hái quả để ăn, vì sợ.
Cách đây 30 năm, Nhà nước phân khu đất cạnh nghĩa địa cho các cán bộ của xưởng phim truyện Việt Nam. Mỗi gia đình được chia khoảng 20 m2 đất và được Nhà nước làm cho một ngôi nhà bằng gỗ ép, theo công nghệ của Liên Xô. Giờ vẫn còn nhiều cán bộ xưởng phim ở mảnh đất cạnh nghĩa địa này.
Nhiều gia đình có điều kiện thì chuyển đi nơi khác sinh sống. Những gia đình gặp nhiều chuyện rủi, sợ đất dữ cũng tìm cách bỏ đi nơi khác.
Mộ Tàu nằm ngay trong sân. |
Nhắc đến chuyện yểm bùa, anh Sơn lắc đầu không biết. Anh bảo, cũng có nghe một số người kể chuyện người Tàu yểm bùa này khác, nhưng anh không tin và cũng không thấy có cơ sở nào, vì gia đình anh sống ở đây mấy chục năm vẫn bình an.
Anh Sơn dẫn chúng tôi ra ngõ, chỉ vào tấm bia đá giữa ngõ và bảo rằng, đó chính là một ngôi mộ Tàu. Theo anh, mọi người sống chung với mồ mả của người Tàu, nhưng chẳng thấy chuyện gì xảy ra. Ông Nguyễn Văn Chiêu, nhà ở ngay cạnh ngôi mộ bảo rằng, xưa kia, ngôi mộ này nằm trên mặt đất, có cả khuôn, hình hẳn hoi, với bia đá khá lớn.
Tuy nhiên, nhà cửa xây lên san sát, nhà nào cũng tôn nền lên cao, rồi quá trình làm ngõ, đã lấp hoàn toàn ngôi mộ. Hiện chỉ còn nhận ra ngôi mộ qua nửa tấm bia đá trồi lên mặt ngõ.
Một ngôi mộ nằm giữa ngõ. |
Cư dân trong khu vực này cũng không biết rõ đó là mộ của ai, chỉ biết rằng, đó là một ngôi mộ cổ của người Tàu, thuộc dòng họ Yên Ninh, có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc). Dòng họ này là người Hoa, sinh sống ở Hà Nội. Họ làm nghề buôn bán ở khu vực sân Quần Ngựa (phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) bây giờ. Ngôi mộ này chôn cả 2 vợ chồng và hiện vẫn chưa sang cát.
Cách đây mấy năm, có một người từ Mỹ về, thắp hương ở ngôi mộ này. Thấy có người đến thắp hương, cư dân trong ngõ đã hỏi han về lai lịch ngôi mộ. Người này bảo rằng anh ta là bạn thân của cháu nội thống đốc một bang ở bên Mỹ. Ngôi mộ này chôn hai người Hoa, là bố mẹ của ông thống đốc đó.
Con cháu của ông thống đốc này hiện cũng đã già lắm rồi, không đi lại được nữa, nên dù rất muốn cải táng, di chuyển mộ tổ đi, nhưng hiện chưa làm được.
Từ đó đến nay, chẳng có ai hương khói cho ngôi mộ nữa. Vào ngày rằm, ngày lễ, mấy hộ dân xung quanh vẫn hương khói chu đáo cho người nằm dưới mộ.
Ngôi mộ bị bùn đất vấy bẩn. |
Theo một số người dân ở khu vực này, thì mấy ngôi nhà cạnh ngõ, đã làm đè lên một phần ngôi mộ Tàu này. Hiện ngôi mộ chỉ còn một phần nổi lên, phần còn lại chìm dưới chân móng nhà. Gia chủ của ngôi nhà ngay đầu ngõ cũng thừa nhận vì đất ít quá, nên trước đây ông lấn chiếm, rồi làm nhà đè lên ngôi mộ. Tuy nhiên, ông lo lắng chuyện tâm linh cẩn thân, nên không sợ hãi gì.
Trong những ngày tìm hiểu quanh nghĩa địa này, điều tôi nhận thấy, là hầu hết cư dân sống trong nghĩa địa đều lảng tránh khi kể về nghĩa địa Tàu này.
Theo lời anh Sơn, ngôi mộ Tàu nằm giữa ngõ rất bất tiện. Hàng ngày, hàng trăm lượt người đi lại, xe máy, xe đạp cưỡi lên đầu 2 cụ già nằm dưới mộ, như thế, người chết chẳng vui, mà người sống cũng chẳng muốn.
Ngõ xuyên qua nghĩa địa. |
Các hộ dân trong ngõ đã họp rất nhiều lần, thậm chí làm đơn nộp lên chính quyền đề nghị di dời ngôi mộ ra nghĩa trang. Chính quyền đã thông báo việc di chuyển mộ để người thân đến nhận, song không có phản hồi.
Phần việc di chuyển mộ sẽ do người dân trong ngõ cùng với chính quyền đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị động vào mộ, thì mọi người lại thôi, vì chẳng ai dám làm việc ấy. Người dân ở đây đều sợ hãi những ngôi mộ Tàu, nên không ai dám đứng ra chủ trì việc cải táng, bốc chuyển, bởi nhỡ đâu, tội vạ lại đổ lên đầu mình.
Bỏ qua những câu chuyện tâm linh huyền bí, chúng tôi lò dò vào sâu trong nghĩa địa. Nghĩa địa Tàu nằm lọt trong khu dân cư đông đúc, nhưng rộng tới cả ngàn mét vuông, cỏ cây rậm rạp, muỗi bay vo vo. Một cảm giác lạnh người chạy dọc sống lưng.
Tấm bia còn rõ chữ. |
Một con đường bê tông nhỏ xuyên qua khu nghĩa địa, cắt nghĩa địa làm đôi. Hai bên đường chi chít bia mộ chữ Hán, với những cọng hương xiêu vẹo. Cuối con đường ấy là một ngôi đền thờ, bài trí theo phong cách Trung Quốc. Đó là ngôi đền thờ thổ địa, hai bên có hai phòng, một phòng là chỗ để người thân đến viếng mộ, chuẩn bị đồ hành lễ, một phòng để cụ từ ở. Vào các dịp thanh minh, lễ, tết, người Tàu thường chuẩn bị lễ rất lớn để cúng bái ở mộ.
Trước kia, người Tàu thuê cụ từ ở tại nghĩa địa, trông nom, săn sóc nghĩa địa, trả tiền công hàng tháng, nhưng nhiều năm nay họ ít qua lại nghĩa địa này, nên bỏ quên luôn, chẳng còn ai săn sóc mộ, ngoài những hộ dân sống ở đây. Khu mộ gần như bỏ hoang.
Ngôi đền thờ cũng đã bị người dân sử dụng làm nhà ở. Tôi vào nhà thờ, gõ cửa một gia đình, song họ từ chối tiếp khi giới thiệu là nhà báo.
Theo ông Nguyễn Văn Chiêu, khu nghĩa địa của người Tàu hình thành từ thế kỷ 19, còn cụ thể năm nào, thì ông và cư dân ở đây cũng không nắm rõ. Chỉ biết rằng, ngày xưa, người Hoa sinh sống, buôn bán ở Hà Nội khá đông. Họ mua mảnh đất ở đây để chôn cất người chết. Nghĩa địa mỗi ngày một mở rộng, và có tới vài trăm ngôi mộ người Hoa ở nghĩa địa này.
Đến năm 1954, chính quyền không cho chôn cất người Hoa ở đây nữa. Mấy chục năm nay nhà cửa mọc lên, phố xá mở rộng, lấn chiếm vào đất nghĩa địa, nên nhiều mồ mả chìm sâu dưới lòng đất. Hiện chỉ còn khoảng 100 ngôi mộ có thể nhận dạng được trong nghĩa địa.
Lối vào nghĩa địa Tàu giữa Thủ đô. |
Giữa thành phố Hà Nội sầm uất, mà có một khu nghĩa địa Tàu quả thực là chuyện lạ. Người dân mong rằng chính quyền sớm di chuyển mồ mả ở đây ra nghĩa trang, để người chết đỡ phiền hà, mà người sống được bình an.
Bà Nguyễn Thu H., tổ dân phố 44, phường Thụy Khuê, người sống 60 năm cạnh nghĩa địa Tàu, cho biết: “Phường Thụy Khuê tồn tại một nghĩa địa cổ của người Trung Quốc là chuyện có thật. Khu nghĩa địa này là của những thương nhân người Phúc Kiến, sang Việt Nam làm ăn, buôn bán và sinh sống.
Trước đây, người Hoa thường xuyên đến thắp hương, nhận mộ. Họ không trình diện chính quyền, nên cũng không nắm được thông tin gì về họ. Một số gia đình cũng đã chuyển hài cốt người thân về nước, nhưng số mộ còn lại vẫn rất nhiều.
Nghĩa địa nằm giữa khu dân cư sầm uất của Thủ đô, thậm chí nằm giữa đường đi là điều bất hợp lý. Nếu chính quyền tạo điều kiện di dời nghĩa địa này ra chỗ khác, dùng đất đó là đất công thì sẽ tốt hơn”.