Bầu trời trong vắt sau cơn mưa lớn, Quốc sải những bước chạy dài cùng chúng bạn tại sân bóng của Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP.HCM. Hôm qua, cậu bé 8 tuổi vừa được gặp cha sau 4 tháng đằng đẵng.
Anh Trần Thanh Lộc (39 tuổi, cha của Quốc) đã bật khóc sau 4 tháng bỏ bê công việc đi tìm con. Cả hai cùng khóc trong ngày hội ngộ. Nhưng phút cuối, người cha quyết định để con trai ở lại mái ấm mới.
Nỗi sợ non nớt
Trong trí nhớ mơ hồ của Quốc, em phải hứng chịu trận quát tháo của cha nhiều ngày trước khi đưa ra quyết định bồng bột. Em cũng không còn nhớ đã mắc phải lỗi gì.
Hôm đó cách đây khoảng 4 tháng, trước khi cha đi làm về, cậu bé quyết định mở chốt cửa và lặng lẽ đi. Không định hình được sẽ đi đâu, đôi chân nhỏ nhắn đi hết con hẻm đang sống.
Anh Trần Thanh Lộc bên con trai tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Em vẫn nhớ con đường dọc bến Bình Đông tối ấy vẫn còn những cành mai tàn sau Tết. Khi những ánh đèn đường dọc bờ kênh đã khuất, Quốc nhận ra mình không còn nhớ đường về nhà.
"Lúc đó trời đã tối, con đi quanh nhà, đi dọc bờ sông rồi dừng lại ở ghế đá công viên", Quốc hồi tưởng tối hôm đó.
Một vài người ghé lại hỏi khi thấy đứa bé nằm dài trên ghế đá công viên Phú Lâm (quận 6). Sau khi hỏi nhiều câu nhưng chỉ nhận lại sự im lặng, họ lắc đầu rời đi.
"Buổi tối con ngủ ở ghế đá, ban ngày vẫn thỉnh thoảng có người cho đồ ăn, cũng có ngày con đi xin vì không ai cho gì", cậu bé chia sẻ.
Khi được hỏi về nỗi sợ khi sống một mình bên ngoài, cậu gật đầu nói về sợ lạnh, sợ cả những người lạ.
"Nhưng cha dữ lắm", giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhỏ.
Những câu hỏi xoay quanh đứa bé 8 tuổi
Quốc được một người dân địa phương phát hiện tại công viên Phú Lâm, sau đó người này đưa tới công an phường 13, quận 6. Cậu bé không khai tên thật của mình với đội trật tự phường. Khi được hỏi về người thân và gia đình, em chỉ lắc đầu nói không nhớ.
Điều thành thật duy nhất cậu cho cơ quan công an biết là đã bỏ nhà đi 10 ngày. Ngay sau đó, Quốc được đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội trước khi Trung tâm Giáo dục dạy nghề TP.HCM tiếp nhận.
Trò chuyện với Zing.vn, bà Phạm Thị Hải Vân, Trưởng phòng Quản lý Học viên của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề TP, thừa nhận có nhiều điều khó hiểu về cậu bé 8 tuổi.
"Trẻ con thường không biết nói dối, nhưng cậu bé khai tên giả khiến việc tìm kiếm người thân gặp khó khăn. Khi được hỏi số điện thoại người thân thì cậu nói không nhớ nhưng khi gặp lại cha, cậu đọc chính xác số điện thoại của người này", nữ Trưởng phòng chia sẻ.
Sau khi nhận thấy điểm bất thường từ cậu bé khi gặp lại cha, Trung tâm đã tham vấn cho anh Lộc để Quốc ở lại nhằm giúp em có môi trường sống thoải mái nhất.
"Ở đây con có nhiều bạn hơn ở nhà"
Anh Lộc sau đó đã đồng ý cho Quốc ở lại ngôi nhà mới - nơi con trai có cơ hội học tập, vui chơi, không còn đối diện những nỗi sợ.
Nơi đây chuyên tiếp nhận các em nhỏ cơ nhỡ để dạy nghề, dạy văn hóa đến khi chuyển tiếp tới các trường dạy nghề khi tròn 15 tuổi.
Sau 3 tháng được học văn hóa, sinh hoạt cùng bạn bè, Quốc không còn nhút nhát. Cậu bé có thể tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở.
"Các bạn hay rủ con chơi cùng, ở đây con có nhiều bạn hơn ở nhà, được chơi đùa khi đã học xong", đôi mắt cậu bé long lanh.
Trung tâm Giáo dục dạy nghề TP.HCM (phường 4, quận Gò Vấp). Ảnh: Quang Huy. |
Ngày 3/7, Trung tâm Giáo dục dạy nghề TP.HCM chứng kiến cuộc đoàn tụ giữa Quốc cùng cha mình sau 4 tháng. Cuộc gặp diễn ra chóng vánh, chỉ có nước mắt và những cái ôm.
Nhắc lại hôm Quốc bỏ đi, người cha kể con trai sống thiếu mẹ từ nhỏ. Anh mải mưu sinh nên ít có thời gian quan tâm. Anh Lộc tin rằng lựa chọn để Quốc ở lại sẽ giúp cậu bé có môi trường tốt nhất.
Còn Quốc, sau một ngày gặp lại cha rồi chia tay, cậu bé bỗng trầm lặng hơn.
"Con không biết hôm qua cha đã về từ lúc nào...", cậu bé 8 tuổi nói nhớ cha rồi chợt òa khóc.