Các tuyến tàu hỏa và tàu điện ngầm bị gián đoạn nghiêm trọng ở Paris và vùng lân cận. Các công nhân nghỉ việc để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ, muốn hợp nhất 42 chế độ lương hưu thành một hệ thống duy nhất.
Thay đổi này sẽ khiến công nhân một số lĩnh vực - bao gồm cả đường sắt - mất đi khoản trợ cấp về hưu non.
Đàm phán giữa các công đoàn và chính phủ tuần trước không tìm được tiếng nói chung, và một ngày biểu tình rầm rộ đã được lên lịch vào ngày 9/1 - hai ngày sau khi các cuộc đàm phán được tiếp tục.
Với khoảng 42% người lái tàu đình công, công ty đường sắt SNCF cho biết trong ngày 26/12, công ty chỉ vận hành một nửa số tàu cao tốc của công ty, 20% các chuyến tàu ngoại ô Paris, 4/10 chuyến tàu khu vực và 1/4 các tuyến liên thành phố.
Biểu tình gần bến tàu Gare de l'Est trong chiến dịch đình công nhiều ngành nghề, diễn ra trên cả nước, phản đối cải cách lương hưu ở Pháp. Ảnh: AFP. |
Chính phủ nói rằng cải tổ chế độ lương hưu là cần thiết để tạo ra một hệ thống công bằng hơn.
Nhưng người lao động phản đối việc đưa ngưỡng 64 tuổi mà mọi người phải làm để được hưởng toàn bộ lương hưu - chậm hai năm so với tuổi nghỉ hưu chính thức.
Các cuộc đình công, bắt đầu vào ngày 5/12, đang gây tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ, khách sạn và nhà hàng, nhất là lại trong thời gian bận rộn nhất của năm.
Hiệp hội đại diện nhiều ngành đã báo cáo doanh thu giảm mạnh so với một năm trước đó, và công ty đường sắt SNCF nói cho đến nay họ đã mất 400 triệu euro (438 triệu USD) lợi nhuận tiềm năng.
Các công nhân cũng bị mất tiền lương do nhiều ngày không làm việc.
Người đứng đầu dự án cải cách lương hưu, Laurent Pietraszewski, ngày 24/12 cho biết chính phủ "sẵn sàng thỏa hiệp" trong các cuộc đàm phán. Nhưng ông khẳng định sẽ không xem xét lại kế hoạch loại bỏ một số chế độ lương hưu đặc biệt.
Cuộc đình công trong ngành vận tải dài nhất ở Pháp kéo dài 28 ngày, cũng vào dịp Giáng sinh, năm 1986 và đầu năm 1987.