Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đấu lý giữa Ngộ Không và Phật Tổ Như Lai

Phật nói Thượng Đế đã tu 1.750 kiếp, mỗi kiếp 129.600 năm, còn con khỉ “mới từ súc sinh lên làm người” tại sao lại dám đòi ngang bằng Trời (Tề Thiên)?

Tề Thiên sau khi nhảy ra khỏi lò bát quái của Lão Quân, như mãnh hổ thoát cũi sổ chuồng, mặc sức vận dụng hết phép thần thông tài nghệ đánh phá cung trời đến nỗi:

Thiên Cung đại náo phen này / Thiên binh thần tướng bó tay chịu lùi.

“Thượng Đế bèn sai ngay Du Dịch Linh Quang và Dực Thánh Chân Quân sang phương Tây mời Phật Tổ tới bắt yêu quái”. Gặp Phật, Tề Thiên hỏi, thì “Như Lai cười, nói: Ta là Phật A Di Đà Thích Ca Mâu Ni…”.

Để ý cách xưng hô ở đây rất thâm thúy. Tại sao phải dùng đến bốn danh xưng: Phật Tổ, Như Lai, A Di Đà, Thích Ca?

Giai ma truyen Tay du anh 1

Tề Thiên và Phật Tổ có một cuộc đấu lý rất thú vị. Nguồn: sohu.

Di Đà và Thích Ca

- Phật là Đấng giác ngộ, không còn mê muội, sai lầm nữa, là Đấng đã tự cứu được mình, và có thể cứu vớt người khác. Thế nên, khi cõi trời cần được cứu, thì chỉ có Phật mới cứu được. Đúng người đúng việc.

- Như Lai nghĩa là thường trụ, bất biến. Kinh Kim Cang chép rằng Phật vốn không do đâu mà tới; tới cũng chẳng đi về đâu. Chính vì vậy, người tu thành Phật mà thật ra thì không có chỗ thành Phật, vì Phật vốn đã ở sẵn nơi tự thân con người. Phật không có ở ngoài người, không phải từ bên ngoài đi tới người. Như Lai là thật tướng. Cái gì nói ra từ Như Lai, đó là chân lý.

- A Di Đà là Phật quá khứ so với Thích Ca Mâu Ni. Đã có Di Đà thuyết pháp trước khi Thích Ca thuyết pháp. Vậy tại sao ở cửa miệng chân lý (Như Lai) lại nói điều tưởng như là sai chân lý: Đã là Di Đà thì Di Đà, chứ lẽ đâu vừa là Di Đà vừa là Thích Ca?

Xin thưa Di Đà và Thích Ca là một. Chúng sanh với Phật là một. Phật đã thành từ thiên cổ và Phật sẽ thành từ trong nhân loại, từ trong chúng sanh mai hậu là một. Đây là triết lý thượng thừa của đạo lý phương Đông. Mặc dù nói qua tưởng như hàm hồ, ngụy biện.

Trời và người

Cuộc đấu lý giữa Tề Thiên và Phật Tổ cũng rất thú vị. Phật nói Thượng Đế đã tu 1.750 kiếp, mỗi kiếp 129.600 năm, còn con khỉ “mới từ súc sinh lên làm người” tại sao lại dám đòi ngang bằng Trời (Tề Thiên)?

Trước tiên, phải nói Ngô Thừa Ân có sơ sót ở con số này. Theo Phật Giáo, một kiếp (kalpa) mà gọi là tiểu kiếp dài 168 triệu năm, trung kiếp dài 336 triệu năm, đại kiếp dài 1.344 triệu năm. Trở lại với việc Tề Thiên tranh cãi với Phật Tổ. Khi bị Phật mắng vì dám đòi làm Trời, Tề Thiên nói tỉnh bơ: “Thượng Đế tuy tu luyện lâu lắm, nhưng cũng không nên ngồi mãi ngôi ấy”. Lời lẽ rất phạm thượng. Phạm thượng mà không hề hủy báng Trời, lại rất đúng đạo lý nữa chứ. Đúng đến mức Ngọc Hoàng cũng không giận.

Ở đời, ông thầy giỏi là người dạy ra học trò còn giỏi hơn thầy. Con hơn cha, nhà có phúc. Thích Ca thành Phật rồi đâu có thèm giữ độc quyền làm Phật cho riêng Thích Ca. Thích Ca khuyến khích rằng mọi người đều có khả năng để làm ông Phật như Thích Ca.

Theo giáo lý Cao Đài, một tiểu linh quang phóng phát từ Thượng Đế (Đại Linh Quang) tiến hóa từ kim thạch lên thảo mộc, lên thú cầm, rồi con thú sẽ tiến hóa lên làm con người.

Giai ma truyen Tay du anh 2

Nhưng chưa đủ, người lại phải còn tiến hóa thêm để hoàn thiện là Tiên là Phật, thậm chí là Trời. Cho nên giáo lý Cao Đài bảo rằng con người đến thế gian từ Trời và còn phải ráng tu học không ngừng để sẽ tiến hóa lên làm Trời:

Tu hành là học làm Trời / Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.

Vì vậy, hiểu theo lý lẽ trên, có thể bạo miệng nói rằng khi Tề Thiên đòi đảo chánh, lăm le soán ngôi Ngọc Hoàng, thì Ngọc Hoàng lại vẫn yêu thương Tề Thiên hơn ai hết.

Huệ Khải / Tri thức Trẻ Books - NXB Tôn giáo

SÁCH HAY