Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đại chiến trên dãy núi Rocky

Việc suy giảm lượng băng trên dãy núi Rocky ở miền Tây nước Mỹ khiến cho hai loài động vật hoang dã là dê núi và cừu sừng lớn phải cạnh tranh gắt gao để giành nguồn thức ăn.

Xuyên qua thấu kính của một ống nhòm đặc dụng, nhà sinh thái học bảo tồn Joel Berger nhận thấy có điều gì đó bất thường đang xảy ra trước mắt ông.

song bang tan chay anh 1

Một cá thể dê núi chạm trán với 3 con cừu sừng lớn tại Công viên Quốc gia Glacier, bang Montana. Ảnh: Wildlife Conservation Society.

Sự áp đảo của dê núi

Đó là năm 2019, tại Công viên Quốc gia Glacier ở bang Montana. Ông Berger, giáo sư Đại học Colorado State, đang cùng nghiên cứu sinh tiến sĩ Forest Hayes tham gia một chuyến thực nghiệm nhằm quan sát hành vi của gấu xám Bắc Mỹ.

Những gì ông nhìn thấy không liên quan đến gấu xám, mà là màn đối đầu giữa hai loài động vật có vú cỡ lớn khác. Một bên là dê núi - loài động vật sinh ra để leo trèo với cặp sừng sắc như dao, và bên kia là cừu sừng lớn - loài cừu hoang dã lớn nhất nước Mỹ.

Chúng đang mắc kẹt trong cuộc chiến một mất một còn, nhằm tranh giành địa bàn trong lúc sinh cảnh ngày càng thu hẹp vì băng tan trên dãy núi Rocky - một cấu trúc địa chất kéo dài hơn 2.400 km từ biên giới với Canada đến tận bang New Mexico.

Trong nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí khoa học Frontiers In Ecology and Evolution, ông Berger và các đồng nghiệp đã ghi chép lại hàng chục cuộc đối đầu tương tự giữa dê và cừu ở vùng núi của Canada, bang Montana và Colorado.

Theo Guardian, nghiên cứu cho thấy hai loài động vật này đang cạnh tranh gay gắt để sở hữu những vệt muối hình thành sau khi tuyết và băng tan chảy ở các vùng núi cao - nơi đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của hành tinh.

Do sinh sống trên khu vực có nguồn cây cỏ hạn chế, cả dê núi và cừu sừng lớn đều dùng lưỡi của chúng liếm vào các hòn đá - một cách để có nguồn vi chất dinh dưỡng vốn không tồn tại trong thực đơn hàng ngày.

Nghiên cứu mới được công bố cũng cho thấy phần thắng trong những cuộc chạm trán này thường nghiêng về dê núi. Mặc dù có kích thước tương đồng, dê núi sở hữu cặp sừng đen sắc như dao và chúng dễ dàng đánh bại các con cừu với tỷ lệ 98%.

Không chỉ có cừu là sợ cặp sừng của dê núi. Các nhà khoa học từng ghi nhận việc dê núi dùng đôi dao găm gắn trên đầu của mình để đâm chết một con gấu xám với kích thước lớn hơn. Hồi năm 2010, tại Công viên Quốc gia Olympic ở bang Washington, một người đi dã ngoại đã bị dê núi húc gây tử vong.

Điều đáng chú ý là dê núi lại không phải loại động vật bản địa trên dãy núi Rocky. Trong giai đoạn 1948-1972, Cơ quan Quản lý Động vật Hoang dã của bang Colorado thực hiện một chương trình nhằm đưa dê núi từ Canada đến sinh sống ở dãy núi Rocky.

Loài vật này nhanh chóng sinh sôi và bao phủ toàn khu vực. Nó đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho địa phương, vì các thợ săn ngoài việc phải bỏ tiền mua giấy phép săn bắn, sẽ phải trải 320 USD cho một con dê núi săn được. Thợ săn không phải là cư dân Colorado thậm chí phải trả tới 2.343 USD để mang một con dê về nhà.

song bang tan chay anh 2

Sự sinh sản nhanh chóng của dê núi khiến giới chức địa phương phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ quần thể cừu sừng lớn bản địa. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, những con dê núi nhập cư bắt đầu trở thành mối đe dọa với loài cừu sừng lớn bản địa, vì chúng sẽ cạnh tranh các nguồn thức ăn, nguồn nước và muối khoáng để tồn tại. Không chỉ vậy, dê núi cũng có thể mang tới nhiều loại vi khuẩn có hại cho cừu sừng lớn.

Tình trạng này khiến giới chức quản lý tại Công viên Quốc gia Grand Teton, bang Wyoming (nằm giữa Montana và Colorado), đã phải hành động quyết liệt để bảo vệ quần thể cừu sừng lớn bản địa. Đầu năm nay, họ thuê thợ săn trên máy bay trực thăng để tiêu hủy 58 con dê núi sống trong công viên.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Nghiên cứu của ông Berger không đưa ra khuyến cáo rằng cần hạn chế số lượng dê núi để bảo vệ cừu sừng lớn bản địa. Thay vào đó, nhóm của ông cho rằng cuộc chiến giữa dê và cừu phản ánh việc hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các loài.

Khoảng 300 dòng sông băng trên dãy Rocky đã biến mất trong vòng một thế kỷ qua do sự ấm dần lên của Trái Đất. Các nhà khoa học cho rằng điều này sẽ tiếp tục, và những sông băng lớn ở Công viên Quốc gia Glacier nhiều khả năng sẽ biến mất hoàn toàn trong vài thập kỷ tới.

Sự biến đổi này sẽ phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái và đe dọa cuộc sống của những cộng đồng dân cư ở phía tây nước Mỹ, vốn dựa vào nguồn nước được cung cấp bởi sự tan chảy của sông băng. Quá trình tan chảy cũng sẽ làm lộ thiên các nguồn muối khoáng và kali, rất quan trọng với sự tồn tại của dê núi và cừu sừng lớn.

Với khả năng leo trèo đỉnh cao, cả dê núi và cừu sừng lớn sẽ xuất hiện ở những khu vực này khi băng tan đi. Điều này có thể dẫn đến nhiều cuộc đụng độ hơn, mặc dù chưa rõ liệu xung đột có gia tăng về số lượng hay không, do chưa có nghiên cứu nào thống kê về chủ đề này trước đây.

"Cách đây không lâu, những khu vực này bị bao phủ bởi băng và tuyết. Xung đột trực tiếp không phải là điều mà cả dê và cừu muốn, nhưng đó là điều đang xảy ra", ông Berger nói.

song bang tan chay anh 3

Những con dê núi được vận chuyển bằng máy bay trực thăng ra khỏi Công viên Quốc gia Olympic, bang Washington, hồi năm 2018. Ảnh: AP.

Ông Berger cũng nêu rằng sự nóng lên toàn cầu đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột ở nhiều nơi trên thế giới. Voi và tê giác đang đụng độ ở châu Phi để cạnh tranh nguồn nước ngày càng suy giảm.

Điều này cũng đúng với con người, tiêu biểu như cuộc chạy đua của các cường quốc trong đó có Mỹ và Nga, nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Bắc Băng Dương khi băng tan dần và các tuyến đường biển bắt đầu hình thành.

"Nếu chúng ta nhìn vào gương, con người chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng với các loài động vật có vú khác", ông Berger nói.

Mỹ công bố chiến lược mới cho vùng Bắc Cực

Giới chức Mỹ ngày 7/10 công bố “Chiến lược Quốc gia về Bắc Cực” mới, trong đó dự đoán cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở khu vực này sẽ gia tăng trong tương lai.

Nga tập trận gần lãnh thổ Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân Nga ngày 16/9 khai hỏa tên lửa hành trình ở biển Bắc Cực. Đây là một phần của đợt tập trận nhằm kiểm tra độ sẵn sàng tác chiến của Moscow nếu có xung đột.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm