Zing giới thiệu bài viết về hành trình chiến đấu với Covid-19 của chị Lê Hòa, một người Việt sống ở cố đô Yogyakarta, miền Trung Java, Indonesia.
22h tối 23/6, tôi nhận kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2, dẫu cả hai vợ chồng tôi đã tiêm đủ hai liều vaccine trước tháng 5. Dù đã đoán trước kết quả, tôi trước đó vẫn hy vọng mình chỉ bị cúm vì ở Indonesia cũng đang là mùa cúm.
Cách đó một tuần, tôi đau dạ dày và phải đi cấp cứu, điều trị bằng kháng sinh và chưa kịp hồi phục. Tôi lo không biết đề kháng của mình có đủ để chống chọi với căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người hay không.
Chồng tôi, Thomas, lúc này vẫn chưa bị bệnh. Anh mất ngủ cả đêm vì lo lắng cho tôi. Ngồi trước cửa phòng, anh trông nom, tâm sự với tôi đến khi tôi thiếp đi. Sau đó anh ra phòng khách ngồi, rồi thỉnh thoảng hé cửa nhìn vào xem tôi ổn không.
Ở nhà tại Việt Nam, bố mẹ tôi đứng ngồi không yên khi nghe tin con gái bị bệnh. Với họ, Covid-19 cũng gần với án tử.
Ba ngày sau, đến lượt Thomas nhận kết quả tương tự.
Anh Thomas mất ngủ cả đêm vì lo lắng khi biết vợ mắc Covid-19. Ảnh: NVCC. |
Thành thật mà nói, dù đã được tiêm vaccine nhưng khi biết mình bị bệnh, với tình hình dịch căng thẳng ở Indonesia, chúng tôi ban đầu vẫn rất sợ hãi vì mỗi ngày chúng tôi đều nhận đầy thông tin tiêu cực về Covid-19.
Hàng loạt đồng nghiệp của chồng tôi ở trường đại học cũng mắc bệnh. Có người còn kể với anh rằng hàng xóm của họ vì không muốn lây cho người nhà nên đã tự cách ly trong xe hơi do không thể nhập viện. Ông ấy qua đời vài ngày sau đó, ngay trong chiếc ôtô.
Ở cố đô Yogyakarta, miền Trung Java, nơi chúng tôi sinh sống, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên đột biến từ tháng 5, sau lễ Idul Fitri của đạo Hồi. Thành phố nhỏ xíu, chỉ như một quận của Hà Nội, nhưng mỗi ngày đều có 800 đến 900 ca nhiễm mới. Tất cả bệnh viện đều quá tải, nhiều người bệnh mất trong khi chờ nhập viện. Oxy trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Dù đã đoán trước kết quả, khi liên hệ với chính quyền địa phương để yêu cầu tư vấn và trợ giúp, chúng tôi vẫn khá sốc khi họ chỉ nói chúng tôi nên ở nhà tự cách ly. Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào khác.
Vợ chồng tôi ở Indonesia không thân thích, không con cái, chỉ còn biết tự tìm cách chăm nhau ở nhà.
“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”
Ngay hôm sau khi tôi nhận kết quả dương tính, Thomas chuẩn bị cho cả 2 các giấy tờ có thông tin cần thiết như nhóm máu, các bệnh và loại thuốc đang sử dụng, các loại dị ứng, và những vấn đề liên quan đến sức khỏe khác.
Anh cũng chuẩn bị số điện thoại và email để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm liên lạc của trường đại học nơi anh đang giảng dạy, đại sứ quán Đức (vì anh là người Đức), và liên lạc của gia đình ở Đức.
Bạn bè gửi đồ tiếp tế cho vợ chồng chị Hòa. Ảnh: NVCC. |
Chúng tôi không thể liên hệ được với bác sĩ nào để hỏi ý kiến khi cần, nhưng Thomas đã liên lạc bên trường đại học nhờ họ sắp xếp, để nếu trường hợp tệ xảy ra, chúng tôi sẽ có một giường cấp cứu trong bệnh viện.
Ở thời điểm đó, tất cả bệnh viện và phòng khám đều quá tải, việc nhập viện theo cách thông thường là không khả thi nên chúng tôi đã phải tính đến chuyện dùng “đặc quyền” quan hệ.
Chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi mua ở hiệu thuốc các loại vitamin C, vitamin D, Zinc và vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng, đồng thời mua các loại thuốc đặc trị ho, sốt, đau đầu, thuốc tiêu hóa và thuốc dạ dày. Chúng tôi cũng tìm mua máy đo nồng độ oxy trong máu nhỏ để tiện theo dõi, và tìm hiểu thêm các kiến thức khác về Covid-19 trên Internet.
Thomas, cùng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp người Indonesia, đã cố tìm mua bình dự trữ oxy để đề phòng trường hợp bệnh trở nặng nhưng anh không thể tìm được bất kỳ bình nào. Không chỗ nào còn bán. Mọi địa chỉ bán tại chỗ và online mà anh và đồng nghiệp tìm đến đều cháy hàng. Mọi người đều ra sức lùng sục oxy cho người thân.
Riêng phần mình, tôi cũng đã chuẩn bị một số giấy tờ như thư gửi gia đình, số tài khoản ngân hàng ở Việt Nam của tôi, dặn dò người thân vài thứ cần thiết.
“Không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra”, tôi nghĩ.
Chị Hòa và anh Thomas thăm đền Borobudur nổi tiếng ở Yogyakarta trước đại dịch. Ảnh: NVCC. |
Tôi không biết suy nghĩ này của mình có phải tiêu cực hay không, nhưng tôi cho rằng chuẩn bị trước như vậy là một điều tốt, để nhỡ không may có chuyện xảy ra, tôi cũng có thể yên tâm mà “đi”.
Các cụ hay nói: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vượt qua cơn sợ hãi, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, và tôi cho đó là điểm then chốt. Khi đó, tôi cảm thấy tự tin và tích cực hơn rất nhiều. Chúng tôi đã sẵn sàng để chiến thắng.
Có lúc tôi nghĩ đến cái chết
Năm ngày đầu tiên, các triệu chứng không có gì nguy hiểm, chỉ hơi sốt, ho, rát mũi, mất mùi và mất vị giác. Lúc này tôi hơi chủ quan vì các triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường.
Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 9, triệu chứng bắt đầu nặng hơn, tôi hoàn toàn không nuốt được bất kỳ loại thức ăn nào. Tôi thật sự rất sợ ăn. Ăn uống với tôi khi đó như thể cực hình, không phải chỉ do mất mùi hay mất vị, mà lưỡi tôi như có lớp băng đóng lại.
Chị Hòa bị sốt nhẹ trong những ngày đầu mắc bệnh. Ảnh: NVCC. |
Tôi hiểu rằng thuốc và các loại vitamin mà tôi uống sẽ không có hiệu quả nếu không có thức ăn trong dạ dày.
Mỗi ngày tôi phải đánh vật 1 tiếng đồng hồ cho mỗi bữa ăn, cố gắng đưa vào bụng chút gì đó để lấy sức. Lúc này, men tiêu hóa và thuốc dạ dày rất cần thiết, vì thời điểm này, dạ dày yếu và khó chịu kinh khủng.
Tôi ho không ngớt cả ngày lẫn đêm, trừ lúc ngủ. Người tôi không có chút năng lượng nào. Ngay cả việc đứng lên đi ra ban công hít thở không khí cũng khó khăn. Thời điểm đó tôi quá mệt nên thường ngủ li bì.
Chồng tôi may mắn hơn, không bị triệu chứng gì quá nặng nên luôn theo dõi tình hình của tôi, ở bên cạnh những lúc tôi sốt và ho nhiều, và thường xuyên đo nồng độ oxy trong máu cho tôi.
Trong khoảng thời gian này, tôi có một lần rơi vào nguy hiểm. Tôi ho không ngớt kèm ói và gần như không thể thở vào ngày thứ 7 bị bệnh. Nồng độ oxy trong máu giảm xuống 84%.
Nhìn con số, tôi nghĩ “lỡ mình ‘đi’ thật thì sẽ như thế nào?”. Ngồi kế bên, nước mắt Thomas trào ra.
Một bữa sáng đơn giản với nhiều trái cây và rau củ trong thời gian vợ chồng chị Hòa bị bệnh. Ảnh: NVCC. |
Là người cứng rắn, anh cố kìm nén sợ hãi và lấy lại bình tĩnh. Nắm lấy tay tôi, anh hướng dẫn tôi hít thở từ từ. Tôi hiểu rằng nếu càng sợ hãi, nồng độ oxy càng giảm và bản thân sẽ bị đặt vào nguy kịch.
Cái nắm tay và sự hướng dẫn của anh trở thành liều thuốc trấn an để tôi tập trung hít thở. Tôi mất vài phút để đưa nồng độ oxy trong máu về 94%, dù vẫn chưa đạt mức an toàn tối thiểu là 95%.
Đến ngày thứ 11, tôi khỏe hơn một chút, không còn sợ ăn và ho ít hơn. Thomas khi này đang bệnh ngày thứ 8, anh ngủ li bì gần như cả ngày vì mệt. Anh sốt nhẹ, đau đầu. Vậy cũng là đáng mừng rồi vì ít ra anh không bị nặng như tôi.
Có lúc anh dậy, lôi lọ mắm tôm mà tôi đã giấu kỹ ra ngửi. Hóa ra anh cũng bị mất khứu giác. Tôi nghĩ bụng vui vui: “Kể ra mà mình không ốm thì giờ tha hồ mua sầu riêng về ăn, hay nấu bún mắm các loại, không sợ có người phàn nàn nữa”.
Sang tuần thứ 3, bệnh tình của tôi tốt lên hơn nhiều. Vị giác bắt đầu trở lại cùng cảm giác thèm ăn, dạ dày không còn khó chịu. Tôi còn ho và không ngửi được nhưng thấy khá khỏe. Còn Thomas, anh khỏe sau 11 ngày bệnh.
Chữa bệnh
Ngoài thuốc thang theo triệu chứng và bổ sung dinh dưỡng, trong thời gian bệnh chúng tôi dùng nước muối để súc mũi và miệng thường xuyên. Nước muối giúp làm sạch và khử trùng, giúp mũi và miệng luôn khô thoáng, tránh bị viêm gây sốt và ho.
Chị Hòa vận động tay chân và hít thở ở ban công nhà. Ảnh: NVCC. |
Giữ ấm cơ thể là điều cần phải ghi nhớ, đặc biệt là phần cổ và ngực. Chúng tôi luôn uống nước ấm và không dùng nước lạnh. Để giảm ho, chúng tôi uống thêm hỗn hợp gừng, chanh, mật ong thường xuyên.
Hàng ngày, hai vợ chồng đều xông mặt bằng nước nóng nấu từ sả và vỏ cam để lọc phổi.
Dù mệt, chúng tôi vẫn cố gắng vận động để cơ thể khỏe hơn. Trừ lúc mệt quá không thể làm gì khác ngoài ngủ, tôi luôn ra ban công hít thở, vung tay vung chân. Tuy không thể gọi đó tập thể dục, nhưng như vậy cũng đỡ hơn nhiều so với việc cứ nằm một chỗ và nghĩ mình ốm nặng.
Trong vài ngày đầu tiên và tuần thứ 3 bị ốm, tôi không quá mệt nên vẫn thường xuyên tập các bài yoga nhẹ để giãn cơ cho thoải mái và khỏe người. Mỗi ngày, tôi dành khoảng 5-10 phút để tập thở bằng cách hít sâu và thở ra từ từ.
Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng tự mình thực hiện hầu hết sinh hoạt cơ bản để vận động tay chân. Những ngày yếu, tôi nhờ bạn đặt đồ ăn giao đến. Lúc khỏe hơn, tôi có thể tự nấu các món đơn giản như phở hoặc cháo.
Sau 3 tuần chúng tôi khỏi hẳn và hầu như không còn triệu chứng nào của Covid-19. Tuy vậy, vì vừa ốm dậy nên cơ thể chưa thể khỏe mạnh như bình thường nên cần ăn uống tốt và vận động nhẹ. Sau 3 ngày hết bệnh, nhà tôi đã có thể đi leo núi nhẹ nhàng.
Vaccine và tinh thần vững chãi là liều thuốc quý
Từ kinh nghiệm bản thân và quan sát người xung quanh, tôi nhận thấy Covid-19 phản ứng trên mỗi người mỗi khác. Covid-19 không đồng nghĩa với án tử. Dẫu vậy, nó cũng không giống với cảm cúm. Vì vậy, điều cần nhất khi mắc loại bệnh này là không sợ hãi, đồng thời không chủ quan, dù có tiêm vaccine hay chưa.
Không bao giờ là thừa khi chúng ta cẩn thận hết mức có thể và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, từ kiến thức vững vàng, đến tinh thần tốt và suy nghĩ lạc quan. Bên cạnh đó, không đọc và nghe tin tức tiêu cực là điều cần thiết để tránh sợ hãi, hoang mang, khiến bệnh có nguy cơ chuyển nặng.
Khi bệnh, mọi người cũng nên cố tự làm mọi việc căn bản để tranh tiếp xúc và lây bệnh cho người nhà.
Sau 3 ngày khỏi bệnh, chị Hòa và chồng đi leo núi để vận động. Ảnh: NVCC. |
Với chủng Delta dễ lây lan và tình hình Covid-19 ngày càng phức tạp tại Indonesia, việc vợ chồng tôi mắc Covid-19 là điều khó tránh. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được tiêm vaccine trước khi bệnh.
Ít nhiều, vaccine đã giúp chúng tôi tránh khỏi các triệu chứng thực sự nặng đến mức phải nhập viện. Nếu không có vaccine, tôi không thể tưởng tượng nổi bản thân sẽ trải qua chuyện này như thế nào.
Vì vậy, hãy tiêm vaccine ngay khi có cơ hội, dù là loại nào đi chăng nữa, miễn đó là vaccine đã được nhà nước cấp phép.