Theo Bloomberg, tập đoàn SpaceX của Elon Musk vừa yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép vận hành Starlink - hệ thống tập hợp những vệ tinh truyền thông - ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu. Điều này nhận lại sự phản đối từ phía Amazon.
Starlink hạ thấp quỹ đạo có thể gây thiệt hại cho dự án vệ tinh của Amazon. Ảnh: GeekWire. |
Cụ thể, vào năm 2019, Amazon cho phát triển một dự án mang tên Kuiper, tập hợp những vệ tinh cung cấp Inernet tốc độ cao. Quỹ đạo đường bay đã được công ty này lên kế hoạch cụ thể với FCC. Đến năm 2020, họ được cấp phép phóng 3.236 vệ tinh vào vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có vệ tinh nào được vận hành.
Việc SpaceX yêu cầu FCC hạ quỹ đạo của Starlink xuống gần Trái Đất đã xâm phạm vào quỹ đạo được Amazon đăng ký trước đó. Jeff Bezos nhận định Starlink sẽ cản trở đường bay của những vệ tinh Kuiper, gây nhiễu hoặc va chạm với chúng.
Bloomberg cho biết 2 người đàn ông giàu nhất thế giới này đều muốn hạ thấp quỹ đạo vệ tinh nhằm có được đường truyền Internet nhanh hơn.
SpaceX cũng khẳng định với FCC việc đặt các vệ tinh gần Trái đất sẽ giảm nguy cơ rác thải không gian vì chúng rơi xuống tầng khí quyển và bị tiêu hủy nhanh hơn so với rác từ tàu vũ trụ.
Tuy nhiên, Amazon cho rằng nếu quỹ đạo của Starlink được hạ thấp, chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho dự án Kuiper.
Dự án Kuiper, đối thủ cạnh tranh tiềm năng của SpaceX. Ảnh: ICT News. |
Trước nguy cơ dự án Kuiper bị tổn thất, Amazon đã đề nghị FCC từ chối yêu cầu của SpaceX.
"SpaceX đang cản trợ sự cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển vệ tinh. Tập đoàn này đã bỏ qua lợi ích cộng đồng để tập trung hạ bệ đối thủ của mình", chia sẻ chính thức được Amazon đăng tải trên Twitter ngày 26/1.
Đáp lại cáo buộc trên, Elon Musk khẳng định việc SpaceX "kìm hãm cạnh tranh" là tuyên bố gây nhầm lẫn cho cộng đồng. Ông cũng nhấn mạnh dự án Kuiper của Amazon chỉ là một "dự án non trẻ", vẫn chưa được thực hiện. Do đó, việc Starlink thay đổi quỹ đạo hoàn toàn hợp pháp và không cản trở dự án của Amazon.
SpaceX từng phóng hơn 1.000 vệ tinh truyền thông cho dịch vụ Internet Starlink của mình, giúp Elon Musk có lượng khách hàng đông đảo từ Mỹ, Anh và Canada.
Theo Bloomberg, tập đoàn này đang có kế hoạch đưa khoảng 12.000 vệ tinh ra vũ trụ. FCC đã cấp phép cho khoảng 4.400 vệ tinh. Trong đó, có 1.584 vệ tinh đang bay ở quỹ đạo 550 km so với tầng khí quyển. SpaceX đang nỗ lực để 2.824 vệ tinh còn lại được vận hành độ cao tương tự.
Ngày 15/10/2019, FCC đã thay mặt SpaceX trình hồ sơ lên Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) để sắp xếp vị trí cho 30.000 vệ tinh Starlink.
Trước việc phóng quá nhiều vệ tinh, SpaceX từng bị giới thiên văn chỉ trích. Các nhà khoa học lo ngại độ sáng từ vệ tinh sẽ cản trở việc quan sát vũ trụ.