Ngày 7/1, Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX đã vượt qua nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới. Nhà sáng lập Neuralink đạt được danh hiệu trên khi giá cổ phiếu Tesla tăng vọt sau phiên giao dịch cùng ngày.
Hiện tại, cổ phần ở Tesla chiếm phần lớn tài sản của Elon Musk. Jeff Bezos sở hữu hơn 10% cổ phần Amazon đã bán gần 13 tỷ USD cổ phiếu trong hai năm gần đây. Dù vậy, ông vẫn còn số cổ phần hơn 170 tỷ USD. Vị tỷ phú từng tuyên bố bán 1 tỷ USD cổ phiếu hàng năm để đầu tư cho công ty hàng không vũ trụ Blue Origin cũng do ông sở hữu.
Từ 2018, CEO Tesla đã lên kế hoạch bán lại cổ phần. Musk hứa hẹn bán 100 triệu USD cổ phiếu “vài năm một lần” cho mục đích từ thiện và “giải ngân các khoản lớn trong khoảng 20 năm sau khi Tesla hoạt động ổn định”.
Musk đang là người giàu nhất thế giới sau khi soán ngôi của ông chủ Amazon. Ảnh: Express. |
Musk cũng đã vạch sẵn kế hoạch sử dụng tiền trong tương lai. “Lý do tôi kiếm tiền không như bạn nghĩ. Tôi có rất ít thời gian để giải trí, cũng không có biệt thự nghỉ dưỡng, du thuyền hay những thứ tương tự”, Musk viết trên Twitter hồi tháng 10/2018.
"Một nửa tài sản của tôi sẽ dành để giải quyết các vấn đề trên thế giới, nửa còn lại xây dựng thành phố tự cung tự cấp trên Hỏa tinh, trong trường hợp hành tinh chúng ta bị thiên thạch đâm trúng hoặc thế chiến 3 diễn ra và loài người tiêu diệt lẫn nhau", Musk cho biết.
Thành phố tự cung tự cấp trên Hỏa tinh mà Musk nói đến dự kiến đủ chỗ cho một triệu người vào năm 2050.
Ông cũng từng liệt kê các khoản chi cho dự án đầy tham vọng này vào năm 2019. Theo Musk, để gửi một tấn hàng lên Hỏa tinh mất 100 nghìn USD. Một thành phố có thể tự cung tự cấp sẽ cần khoảng một triệu tấn hàng, tốn từ 100-10 nghìn tỷ USD cho dự án. Nếu Musk vẫn dự định dành phân nửa tài sản cho dự án đầy tốn kém này, ông chỉ đủ chi trả một khoảng nhỏ.
Kế hoạch này từng bị đạo diễn Werner Herzog chỉ trích là “viển vông”, trong khi Jack Ma cho rằng cần đầu tư cho Trái Đất hơn là Hỏa tinh.
Với Elon Musk, ông cho rằng kế hoạch này không tốn kém như nhiều người nghĩ. Trong buổi tranh luận năm 2019 với Jack Ma, Musk cho biết dự án chỉ cần khoảng 0,5%-1% GDP thế giới, chỉ cao hơn một chút so với số tiền con người chi tiêu cho mỹ phẩm và gần bằng với chi phí chăm sóc sức khỏe.
Musk muốn dành nửa tài sản của mình để xây dựng thành phố tự cung tự cấp trên Hỏa tinh. Ảnh: Inverse. |
Ngân hàng thế giới (WB) ước tính GDP toàn thế giới khoảng 85,7 nghìn tỷ USD vào năm 2018. Musk cho rằng trích từ 400-900 tỷ USD từ đây cho thành phố trên Hỏa tinh sẽ là “khoảng đầu tư khôn ngoan cho tương lai”.
Năm 2020, Elon Musk cho biết muốn bán hết tài sản, đồng thời tuyên bố của cải là thứ “kìm hãm bản thân”.
Tuy nhiên, trái với tuyên bố, Musk không chi tiền cho hoạt động từ thiện nhiều như ông nói. Dù từng ký tên vào quỹ The Giving Pledge, tổ chức kêu gọi người giàu dành phần lớn tài sản cho từ thiện, theo The Guardian, quỹ từ thiện của Musk chỉ mới cho đi khoảng 100 triệu USD.
Theo phân tích của Quartz, ông đã quyên góp khoảng 257 triệu USD cho Musk Foundation. Musk Foundation lại dành đến 86% nguồn vốn rót vào 3 quỹ khác, trong đó có 2 quỹ tư vấn cho nhà tài trợ (Donor Advised Fund) thường xuyên bị đánh giá thiếu minh bạch là Vanguard Charitable và Fidelity Charitable Gift Fund.