Theo Popular Mechanics, Duma Quốc gia (hạ viện Nga) đang xem xét phạt tiền các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet vệ tinh của công ty phương Tây. Dự luật cấm truy cập mạng thông qua Starlink của SpaceX, OneWeb hoặc các dịch vụ tương tự không do Nga phát triển.
Nga cấm người dân dùng dịch vụ Internet vệ tinh do SpaceX cung cấp. Ảnh: Arstechnica. |
Mức phạt đề xuất dao động từ 135-405 USD với người dùng cá nhân và 6.750-13.500 USD nếu đối tượng vi phạm là công ty, tổ chức.
Duma cho rằng việc truy cập như vậy sẽ vượt qua hệ thống giám sát sử dụng Internet và mạng di động của nước này.
Theo quy định hiện tại, tất cả phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc và lưu lượng truy cập Internet đều phải được kiểm soát một nhà cung cấp của Nga.
Theo Arstechnica, không có gì ngạc nhiên khi Nga chặn dịch vụ Starlink. Giám đốc Cơ quan Vũ trụ của nước này, Dmitry Rogozin, từng coi SpaceX là đối thủ chính trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Rogozin cho rằng cả NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ trợ cấp cho SpaceX thông qua các hợp đồng của chính phủ. Gần đây ông cáo buộc Starlink không chỉ là dịch vụ cung cấp Internet thông thường mà còn có mối liên hệ với lực lượng đặc biệt của Mỹ.
“Starlink là một phần trong chính sách công nghệ cao thông minh, mạnh mẽ, nhiều tham vọng của Mỹ, sử dụng chiến lược ‘Shock and Awe’ để thúc đẩy lợi ích quân sự của họ”, Rogozin tuyên bố vào tháng 8/2020. Ông cũng đánh giá mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet cho 4% bề mặt Trái Đất chưa được phủ sóng của SpaceX là "vô nghĩa".
Ảnh mô phỏng mạng lưới vệ tinh của Starlink bao phủ gần như toàn bộ Trái Đất. Ảnh: Đại học College London. |
Lệnh cấm đối với OneWeb thú vị hơn. Công ty này đang sử dụng tên lửa Soyuz của Nga để phóng gần như tất cả trạm phát sóng lên quỹ đạo. OneWeb là khách hàng chủ yếu của các sân bay vũ trụ ở Baikonur (Kazahkstan) và Vostochny (Nga) trong thời gian gần đây. Chính họ hỗ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang gặp nhiều khó khăn của Nga.
Không chịu thua kém các đối thủ phương Tây, Nga đang lên kế hoạch phát triển Internet vệ tinh của riêng mình mang tên "Sphere". Tuy nhiên, vấn đề ngân sách của dự án vẫn chưa được giải quyết.
Vào tháng 8/2020, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk thử nghiệm thành công hệ thống Starlink gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất để cung cấp kết nối Internet. Ưu điểm của Starlink chính là khả năng cung cấp kết nối Internet đến bất cứ đâu trên thế giới.
Khoảng 3 tháng sau, bộ thử nghiệm cho dịch vụ vệ tinh Internet của SpaceX được trao đến tay những người dùng đầu tiên. Phản hồi từ người dùng cho thấy tốc độ tải xuống khi sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh từ Starlink cao hơn mong đợi của nhiều chuyên gia.
Hiện tại, dịch vụ thử nghiệm Internet vệ tinh đang được SpaceX cung cấp tại một số vùng ở phía Bắc nước Mỹ, bao gồm Idaho, Michigan, Minnesota, Montana, Oregon, Washington và Wisconsin.