Thỏa thuận trị giá 149 triệu USD được công bố ngày 6/10 bởi Cơ quan Phát triển Không gian Mỹ (SDA) - đơn vị được Lầu Năm Góc thành lập năm 2019, cũng là hợp đồng đầu tiên của SpaceX với một cơ quan chính phủ.
Hình mô tả vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX. |
Đơn vị không gian của tỷ phú Elon Musk được biết đến với những dự án nghiên cứu, phóng vệ tinh. Ngoài ra, SpaceX đang tăng cường sản xuất vệ tinh thuộc Starlink, dự án mang kết nối Internet đến khắp nơi trên thế giới và đã có những thành công nhất định.
Ngày 31/5 vừa qua, SpaceX đã đi vào lịch sử khi là công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây là thành quả sự hợp tác giữa công ty này với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), mở ra hướng đi mới cho ngành khai thác vũ trụ Mỹ.
Tên lửa Falcon 9 mang hàng chục vệ tinh Starlink để phóng lên không gian. Ảnh: Elon Musk. |
Theo thỏa thuận với SDA, SpaceX sẽ sử dụng nhà máy lắp ráp vệ tinh Starlink ở Redmond, Washington để làm ra 4 vệ tinh gắn cảm biến theo dõi tên lửa hồng ngoại góc rộng do một đơn vị khác cung cấp.
4 vệ tinh khác sẽ được lắp ráp bởi L3 Harris trong thỏa thuận trị giá 193 triệu USD. Cả 2 công ty dự kiến cung cấp vệ tinh hoàn chỉnh để phóng vào mùa thu năm 2022.
Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch giai đoạn đầu của SDA để mua vệ tinh nhằm theo dõi, phát hiện các loại tên lửa như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - có thể di chuyển với quãng đường xa, rất khó đánh chặn.
SpaceX vào năm 2019 đã nhận được 28 triệu USD từ Không quân Mỹ để sử dụng mạng vệ tinh Starlink cho các dịch vụ Internet được mã hóa với một số máy bay quân sự, mặc dù Không quân chưa đặt hàng vệ tinh Starlink nào.
Hiện nay SpaceX mới phóng lên không gian khoảng 600 vệ tinh Starlink. Vào tháng 11/2018, FCC đã chấp thuận cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, song Musk hy vọng con số sẽ tăng lên 30.000 trong tương lai.