Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến thương hiệu khốc liệt tại Euro 2016

20 trong tổng số 24 đội tuyển tham gia Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 sử dụng sản phẩm của 3 hãng thể thao lớn nhất thế giới, dấu hiệu cho thấy sự lép vế của các hãng nhỏ.

“Những thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản phẩm thể thao đang trở nên lớn hơn. Trong giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1996, chỉ một nửa trong số 16 đội tuyển dự giải sử dụng sản phẩm của các hãng không thuộc nhóm ‘tam đại gia’.

Nhưng trong giải đấu tại Pháp năm nay, chỉ 4 trong số 24 đội sử dụng sản phẩm của họ”, Repucom, một hãng tiếp thị thể thao, thông báo.

Lợi nhuận trong mảng bóng đá của hãng Adidas tại Đức giảm trong vài thập kỷ qua do sự lớn mạnh của Nike. Song họ vẫn cung cấp trang phục và những dụng cụ khác cho 5 đội tuyển vô địch châu Âu gần đây nhất và 9 đội tuyển (chiếm 37%) trong giải Euro 2016 – tăng từ con số 5 đội trong Euro 1996. Nếu như trong giải năm 1996, Nike chỉ tài trợ một đội, thì đến năm nay họ tài trợ 6 đội, Fox Sport đưa tin.

cuoc chien thuong hieu tai Euro 2016 anh 1
Hãng Adidas tài trợ 9 đội tuyển quốc gia tham dự Euro 2016, chiếm 37% tổng số đội. Ảnh: Getty.

Song Puma cũng đầu tư mạnh vào hoạt động tài trợ để bám đuổi Adidas và Nike. Trong giải Euro 1996, hãng tài trợ 2 đội và con số đó tăng lên 5 trong giải năm nay. Repucom cho biết, Adidas và Nike đang phát động “cuộc chiến thương mại khốc liệt” tại Euro 2016.

Jon Stainer, giám đốc điều hành chi nhánh Repucom tại Anh, phát biểu: “Trong bóng đá, người ta chỉ thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa Nike và Adidas trong hai loại sự kiện: Giải vô địch bóng đá thế giới của FIFA và Giải vô địch bóng đá châu Âu của UEFA”.

“Hai giải đấu ấy cung cấp sân khấu quan trọng trong cả hai hãng để họ tung ra những đòn mạnh về quyền tài trợ lẫn nội dung quảng cáo”, Stainer nhận xét.

Stainer nói thêm rằng tài trợ các đội tuyển là cơ hội để các hãng mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút thêm khách hàng. Để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu, mùa giải Euro 2016 sẽ là quãng thời gian quan trọng để các hãng phát động cuộc chiến trên các mạng xã hội và video quảng cáo.

“Một điều rõ ràng là Nike và Adidas vẫn thống trị thế giới thể thao”, ông nhấn mạnh.

Nike dẫn đầu trong các thương vụ với cầu thủ. Họ ký hợp đồng dài hạn với siêu sao Cristiano Ronaldo. Repucom cho rằng cầu thủ Bồ Đào Nha có giá trị thương mại lớn nhất trong số những cầu thủ tham dự Euro 2016.

Tổng số tiền mà Ronaldo kiếm từ các thương vụ cá nhân lên tới 21,5 triệu USD mỗi năm, theo tính toán của Repucom.

Gareth Bale, cầu thủ ký hợp đồng với Adidas, xếp thứ hai về giá trị thương mại trong giải Euro 2016, với giá trị các thương vụ vào khoảng 4,6 triệu USD.

Vào lò sản xuất áo bóng đá mẫu Euro 2016 ở Hà Nội

Nhu cầu mua áo bóng đá theo mẫu Euro 2016 tăng vọt khiến nhân viên các cửa hàng, cơ sở sản xuất trên phố Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) phải làm thêm đến khuya.

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm