“Con trai đầu của tôi là 'em bé của vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới 1993'”, Gina Bennet, cựu chuyên viên phân tích của CIA cho biết. Bà đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để theo dõi những kẻ đứng đằng sau các khủng hoảng quốc tế tồi tệ nhất lịch sử thế giới hiện đại.
Bennet, người mẹ của 5 đứa con, cho biết bà gán ngày sinh của từng đứa cho nhiệm vụ mà bà theo đuổi vào thời điểm đó. Bà gọi con trai thứ 2 là “em bé Tháp Khobar” (vụ đánh bom toà nhà phức hợp của quân đội Saudi Arabia năm 1996), con gái thứ 3 là “em bé của vụ đánh bom đại sứ quán Châu Phi” (vụ tấn công đại sứ quán Kenya và Tanzania năm 1998), và con trai thứ 4 là “em bé 11/9”.
Bennet có thai khi đang tiến hành điều tra những vụ tấn công trên. "Không giống như những bà mẹ bầu khác, hầu hết mọi người đều không biết tôi đang có em bé”, bà nói. Đứa con thứ 5 của bà, một bé gái, đã được bà gọi với cái tên âu yếm “em bé Fallujah” (trận chiến Fallujah của quân đội Mỹ, Anh và Iraq năm 2004).
“Đội quân tóc dài” trong CIA
Nữ giới bắt đầu trở thành trung tâm của đội ngũ gián điệp Mỹ từ năm 1776. Họ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây được xem là kỷ nguyên của Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
“Tôi sống trong một thế giới nơi mỗi ngày chúng tôi đều nói về những vũ khí cải tiến đáng kinh ngạc của những nước láng giềng”, bà Maja Lehnus, người phụ nữ đầu tiên giữ 6 vị trí lãnh đạo trong CIA, cho biết.
“Có rất nhiều lý do khiến chúng tôi sợ hãi mọi lúc mọi nơi”, Lehnus cười lớn và tiết lộ một trong những nguyên nhân khiến bà bật dậy mỗi đêm chính là vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Cựu chuyên viên phân tích của CIA Gina Bennett. Ảnh: Getty. |
Trả giá khi sống cuộc đời điệp viên
Đây chính là thực tế cuộc sống khá khắc nghiệt mà hầu như nữ nhân viên CIA nào cũng phải đối mặt. Nó khác với cuộc sống xa hoa, hào nhoáng và đầy thú vị của các nữ điệp viên trên màn ảnh. Ở đó, họ như một sát thủ máu lạnh vào ban ngày và quyến rũ vào ban đêm.
Ở Mỹ và nhiều nước khác, người ta quen với hình ảnh lẳng lơ của nữ điệp viên qua những bộ phim như Homeland hay State of Affairs, mà quên mất Virginia Hall, người phụ nữ phi thường từng gia nhập OSS năm 1944.
Người ta biết đến những màn trao đổi thân xác để lấy thông tin qua màn ảnh, mà không biết rằng bà Hall từng tổ chức các hoạt động phá hoại trên toàn nước Pháp, lập bản đồ khu vực và giúp giải thoát toàn bộ tù binh. Khi ấy, Hall xuất hiện trong bộ dạng của một bà lão nông dân cao tuổi, với chiếc chân giả mà bà đặt tên là Cuthbert.
Thành công của bà Hall lớn đến mức Gestapo (mật vụ của Đức Quốc xã) gọi bà là “điệp viên nguy hiểm nhất trong các điệp viên của Đồng Minh”. Khi đó, sức ảnh hưởng của bà còn lớn hơn cả một đội quân nam giới tinh nhuệ nhất của Mỹ.
Nữ điệp viên…vẫn chỉ là nữ giới
Trong ngày đầu trình diện sếp mới, Janine Brookner, người đầu quân cho CIA từ năm 1968, đã đưa ra bản thống kê toàn bộ mối liên lạc và khả năng tiếp cận với nguồn tin của mình. Ngay sau đó, Brookner thoả thuận với vị lãnh đạo này rằng bà sẽ làm việc vài năm trong văn phòng của ông. Nếu làm tốt, ông sẽ cất nhắc bà lên vị trí lãnh đạo.
Julia Child vốn nổi danh với cương vị đầu bếp. Nhưng ít ai biết rằng trước đó, bà từng là điệp viên của OSS. Ảnh: AP. |
Vài năm trôi qua, thời điểm được thăng chức đã đến, bà Brookner bất ngờ nhận 2 vị trí không ai mong muốn ở châu Mỹ Latin, nơi bà không còn cơ hội nào được cất nhắc hay công tác nước ngoài.
“‘Tôi sẽ là sếp của không ai cả!’ Tôi nói với ông ấy, ‘Tôi sẽ làm gì ở đó?’ Ông đáp lại, ‘Cô có thể đi mua sắm’”, Brookner kể.
Cuối cùng, bà vẫn phải nhận lấy vị trí lãnh đạo mà “không người đàn ông nào mong muốn”. “Nhưng đó là thứ duy nhất tôi có thể chọn lựa, và ít nhất, tôi vẫn có thể hoạt động, cùng một nhân viên”, bà cay đắng nói.
“Nhiều năm qua, gần như mọi lúc, những người phụ nữ đều phải bắt đầu từ con số không nhiều lần để chứng minh năng lực. Chỉ có rất ít người trong số chúng tôi thành công”, bà nhấn mạnh.
Nhưng Brookner đã làm được. Bà theo dấu và bắt giữ một đối tượng quan trọng sau 6 tháng thu thập thông tin, nhưng lại bị một thuộc cấp khác (người từng bị bà báo cáo về tội bạo hành vợ) cáo buộc là gái điếm, thường ăn mặc khiêu khích để quyến rũ đàn ông.
Đó là năm 1992, khi Brookner đã có 24 năm kinh nghiệm trong nghề tình báo. Bà thẳng thắn bác bỏ cáo buộc trên, đâm đơn kiện CIA và thắng kiện. Tháng 12/1994, cơ quan bồi thường cho bà số tiền 410.000 USD. Một thời gian ngắn sau, bà nghỉ hưu. Giờ đây, bà là một luật sư ở thủ đô Washington, chuyên xử lý các vụ kiện chống lại CIA và những cơ quan liên bang khác.
Majah Lenus, Giám đốc Văn phòng Tài chính CIA, là người phụ nữ đầu tiên giữ 6 vị trí lãnh đạo trong CIA. Ảnh: Newsweek. |
Cuộc chiến giành quyền bình đẳng
Cuộc chiến dai dẳng ấy vẫn cứ tiếp diễn. Năm 1995, CIA vướng vào vụ kiện 1 triệu USD liên quan đến việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Năm 2007, một nhóm học viên nữ của CIA tiếp tục đưa đơn phản ánh tình trạng nữ giới bị phạt nặng hơn nhiều so với nam giới cùng ngành khi vướng vào các vụ việc liên quan đến người nước ngoài.
Brookner đã đưa trường hợp trên lên Uỷ ban Bình đẳng về Cơ hội Việc làm, nhưng bị bác bỏ vì số phụ nữ trong lớp học đặc biệt này của CIA không đủ để lập đơn kiện tập thể. Không bỏ cuộc, bà tiếp tục đệ từng lá đơn riêng biệt lên cho từng người, và giành chiến thắng cho tất cả bọn họ.
Ngày nay, phụ nữ chiếm 45% nhân lực của CIA và 34% số lãnh đạo cao cấp. Đây là con số gia tăng đáng kể so với quãng thời gian trước đó. Tuy vậy, thực tế về tình trạng phân biệt đối xử tại CIA vẫn không hề thuyên giảm.
“Bạn có thể hành động như một người đàn ông, nhưng sẽ bị đánh giá như một người phụ nữ. Nếu bạn hành động như một người phụ nữ và muốn đứng vào vị trí lãnh đạo, bạn sẽ bị chê cười. Mỗi người phụ nữ ở đây đều tin rằng họ bị đánh giá bởi những biểu hiện chuyên nghiệp, được xác lập bởi những người đàn ông da trắng từ nhiều thập kỷ trước”, bà Bennett kết luận.