Tại một đám cưới mới đây ở quận "nhà giàu" Gangnam, Seoul, người ta nhìn thấy 2 paparazzi. Tuy nhiên, đối tượng họ nhắm đến không phải những người nổi tiếng. Họ tìm kiếm những quan chức nhận những món quà có dấu hiệu vi phạm luật chống tham nhũng mới ở Hàn Quốc.
Có hiệu lực từ ngày 28/9, luật mới nói trên giới hạn giá trị các bữa ăn cũng như các món quà có thể nhận được. Đặc biệt, luật cũng quy định nếu phát hiện và trình báo các trường hợp phạm luật, một người có thể được thưởng đến 200 triệu won (180.000 USD).
Từ đây, một "nghề" hái ra tiền đã ra đời tại Hàn Quốc: mang camera quay lén đến các đám cưới đám cưới, đám tang, nhà hàng ... để "bắt lỗi".
Ông Moon Seoung-ok giới thiệu một mẫu kính có gắn camera quay lén. Ảnh: Reuters. |
Theo dõi cáo phó đăng báo
"Bạn có thể vừa kiếm được nhiều tiền vừa thể hiện lòng yêu nước", ông Moon Seoung-ok nói với các học viên tham gia lớp học về mẹo sử dụng camera quay lén.
Ông Moon là giám đốc của Trung tâm Tố giác vì Xã hội Tốt đẹp. Trung tâm nằm gần một tòa án ở Seoul và chuyên mở các lớp dạy nghiệp vụ tình báo.
Giơ cao tập tài liệu hướng dẫn về luật chống tham nhũng mới, vị giám đốc nói: "Bạn có thể lấy được hóa đơn thẻ tín dụng từ thùng rác ở các nhà hàng".
"Bạn cần phải có được bằng chứng", ông Moon nhấn mạnh.
Ông Moon Seoung-ok trong một buổi học tại trung tâm của mình. Ảnh: Reuters. |
Ông cũng chỉ cho các học viên tại trung tâm cách để tiếp cận các đám cưới hay đám tang.
"Bạn phải điều tra người mà bạn nhắm đến", Moon nói trong một bài phỏng vấn. "Theo dõi cáo phó đăng trên báo để biết được những nhân vật cấp cao nào đang tổ chức tang lễ".
Cơ sở đào tạo của Moon không thu học phí. Thay vào đó, ông kiếm tiền bằng cách bán "dụng cụ hành nghề" cho các học viên, chẳng hạn như bút hay kính mắt có gắn camera. Một lớp học gần đây có 10 người tham gia.
Luật "3-5-10"
Luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc quy định: một bữa ăn với công chức nhà nước không nhiều hơn 30.000 won (27 USD), quà được nhận có giá trị không vượt quá 50.000 won (45 USD), đồng thời phong bì đi đám cưới, đám tang chỉ tối đa 100.000 won (90 USD). Những quy định này được gọi chung là luật "3-5-10".
Theo ước tính, khoảng 4 triệu người Hàn Quốc bị tác động trực tiếp bởi luật, bao gồm công chức, viên chức nhà nước, nhân viên công ty quốc doanh, giáo viên, nhà báo.
Sau khi luật có hiệu lực, lượng đặt chỗ trước tại các sân golf giảm mạnh và khách mời đám cưới ít hơn trước. Trong khi đó, các bệnh viện đưa ra thông báo về việc không nhận quà cảm ơn. Những nhóm đi ăn chung tiến hành chia nhau hóa đơn, một việc gần như chưa từng có ở Hàn Quốc, theo Reuters.
Bên ngoài một đám cưới ở Hàn Quốc, nơi khách gửi tiền mừng trong các phong bì. Ảnh: meverden.blogspot.com. |
Những người vi phạm đa phần sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, họ cũng có nguy cơ bị xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng, chẳng hạn như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won, hay giá trị của tổng số quà tặng nhận được trong một năm lớn hơn 3 triệu won.
Các doanh nghiệp đang nháo nhào vì luật mới. Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, tổ chức hỗ trợ cho các chaebol (tập đoàn tài phiệt) ở nước này, vừa tổ chức một hội thảo với khoảng 400 người tham dự về việc các nhân viên tập đoàn nên làm thế nào để không phạm luật.
Theo bảng xếp hạng Nhận thức Tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch Thế giới công bố, Hàn Quốc xếp thứ 27 trên tổng số 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tiền hay lòng yêu nước
Ở Hàn Quốc, từ "paparazzi" lâu nay không chỉ dùng để gọi những tay săn ảnh chuyên theo dõi các ngôi sao, mà còn để chỉ những người kiếm tiền thông qua việc "tố giác và nhận thưởng" khi phát hiện ai đó vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ hay vứt thuốc trên đường.
Luật chống tham nhũng mới còn được gọi là luật "Kim Young-ran", theo tên của nguyên chủ tịch Ủy ban Quyền công dân và Phòng chống tham nhũng Hàn Quốc, đề xuất luật này vào năm 2012. Cũng chính vì vậy mà những người tố giác tham nhũng, hối lộ được gọi bằng cái tên "ran-parazzi".
Otgoutugs Ochir, bà nội trợ gốc Mông Cổ 46 tuổi, là một trong những ran-parazzi. Ochir hy vọng việc này sẽ giúp bà kiếm đủ tiền để mua căn hộ. Tuy nhiên, bà nói mình việc này cũng là vì lòng yêu nước.
"Nếu số người kiếm tiền bất chính giảm xuống, con cái của tôi có thể sống trong môi trường tốt hơn", Ochir nói.
Ông Moon Seoung-ok giới thiệu một thiết bị quay lén có hình dạng chiếc chìa khóa. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức của Ủy ban Quyền công dân và Phòng chống tham nhũng Hàn Quốc cho biết khi tố giác vi phạm, người tố giác phải đưa ra được bằng chứng cụ thể.
"Bất cứ ai khi tố giác đều phải gửi kèm theo tài liệu bằng văn bản có ghi tên của mình. Nếu chỉ có duy nhất một tấm ảnh, sẽ khó để xác định và đưa vi phạm ra xử phạt", quan chức đề nghị giấu tên cho biết.
Đám cưới ở Gangnam nói trên trưng hoa chúc mừng không đúng theo quy chuẩn. Một trong hai ran-parazzi, Song Byung-soo, 60 tuổi, nhìn thấy đó là một cơ hội để "tấn công".
"Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều", ông Song nói. Ông muốn có thêm thu nhập ngoài tiền lương tại một công ty bán phụ tùng ô-tô. Tuy nhiên, ông không hy vọng mình "trúng số" bằng việc tố giác, dù ông nghĩ việc này là đúng đắn.
"Tôi luôn cảm thấy do dự vì khi làm việc này, tôi phải làm tổn thương người khác. Sau khóa đào tạo, tôi nghĩ việc này là đúng đắn. Nếu ran-parazzi có thể khiến xã hội không còn tình trạng tham nhũng hay đặc quyền đặc lợi, tôi nghĩ đó cũng là điều tốt", Song quả quyết.