Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến OTT tại Việt Nam đã phân nhánh

Ngồi trong một quán cafe trên đường Pasteurs (TP.HCM), Hải Linh liên tục chuyển từ Zalo nhắn tin rồi Viber gọi điện liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp. Cô là một trong cả chục triệu người Việt Nam "phải lòng" các ứng dụng nhắn tin miễn phí trong năm 2013.

Hải Linh - nhân viên một công ty quảng cáo nước ngoài tại TP.HCM cho biết, các phần mềm gọi điện, nhắn tin trở thành bạn đồng hành của cô trong một năm nay. Đây là ứng dụng liên lạc chính của Linh với bạn bè, đồng nghiệp. “Chúng không chỉ là tiện ích liên lạc bạn bè, trong khoảng gần năm nay, tôi dùng nhiều trong cả công việc. OTT nhanh hơn email, cho phép trả lời, nhận tin nhắn, điện thoại bất cứ lúc nào”, Linh nói.

Chuyển từ iPhone 5 sang 5S tháng trước, trong số các phần mềm thì Viber, Zalo, Line bên cạnh Facebook là những tiện ích được Linh chọn cài đầu tiên. Thậm chí, cô còn để chúng ngay trang đầu để mở ra nhanh hơn.

Theo Linh, ngoài Facebook, để thuận lợi cho công việc, bảo mật tốt hơn, Zalo, Viber hay Line là những ứng dụng cô chọn. Cô gái 24 tuổi này cho biết, mình không trung thành với một phần mềm cụ thể, mà tùy thuộc vào từng nhóm liên lạc.“Zalo để nhắn tin, chat và đây là phần mềm tôi dùng nhiều nhất. Trong khi đó, Viber lại có các group trao đổi công việc với sếp nước ngoài, mục đích chủ yếu là gọi điện. Tôi cũng có dùng Line, nhưng chỉ liên lạc với một số bạn bè teen, thích chơi game”.

OTT trở thành đề tài “nóng” trên mặt báo và là sự kiện được bàn luận ở nhiều hội thảo, sự kiện ICT lớn trong nước.

Giống như Linh, nhiều bạn bè của cô cũng cho biết, họ cài tất cả các ứng dụng OTT đang có trên thị trường, nhưng việc liên lạc lại tùy thuộc vào từng nhóm bạn cụ thể. Với việc KakaoTalk gần như rời bỏ thị trường, Wechat bị tẩy chay, ứng dụng OTT trong năm qua tại Việt Nam chứng kiến sự nổi lên của Viber với hình thức thoại, Line mạnh về game, trong khi Zalo lại chú trọng tính năng nhắn tin.

Nếu như năm 2012, các ứng dụng tin nhắn miễn phí bắt đầu xuất hiện, thì năm 2013 được xem là thời điểm sôi động của các sản phẩm này. OTT trở thành đề tài “nóng” trên mặt báo và là sự kiện được bàn luận ở nhiều hội thảo, sự kiện ICT lớn trong nước.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của OTT đã trở thành xu hướng mạnh mẽ và là điểm nhấn thú vị của làng công nghệ Việt trong năm qua.Tuy nhiên, cuộc chơi này đã bắt đầu phân hóa, mỗi tên tuổi đều có những thế mạnh riêng. Thị trường OTT vẫn sẽ còn những bất ngờ lớn, đây là chặng đường dài khi họ phải cạnh tranh lẫn nhau, đồng thời cũng phải “ngóng” tin tức từ các nhà mạng khi mà những ông lớn viễn thông vẫn hằm hè vì doanh thu mảng tin nhắn, gọi điện bị ảnh hưởng.

Hiện tại, cuộc chơi OTT đúng nghĩa hiện chỉ còn 3 tên tuổi là Viber, Zalo và Line. Cuối tháng 11 vừa rồi, Viber công bố họ có 8 triệu người dùng tại Việt Nam, đây là OTT có số người đăng ký đông nhất. Tuy nhiên, thế mạnh của Viber lại nằm ở việc gọi điện quốc tế. Có mặt sớm tại Việt Nam, Viber nhắm tới những khách hàng có người thân ở nước ngoài, việc gọi điện trên di động thông qua tiện ích này nhằm giảm chi phí các cuộc gọi quốc tế.

Nhận biết được thế mạnh của mình, trong tháng 12, Viber tung ra gói Viber Out, cho phép người dùng có thể gọi điện tới cả số điện thoại cố định với chi phí rẻ. Với cước phí khoảng 400 đồng/phút, Viber rẻ hơn gọi Skype, cho phép liên lạc được với các số di động, cố định. Đây là bước đi mới của tên tuổi này sau khi phát triển mạnh trên smartphone khi cho phép thoại giữa OTT với OTT.

KakaoTalk gần như rút khỏi thị trường, tên tuổi Đông Á duy nhất còn bám trụ tại Việt Nam hiện nay là Line. Điều dễ nhận biết khách hàng của ứng dụng này là giới teen, những người yêu thích các icon liên lạc và chơi game Line Pop.

Line gần như là OTT thương mại hóa đầu tiên, sau khi phát triển rất nhiều ứng dụng game trên nền tảng của họ. Theo nhiều chuyên gia trong giới, liên lạc qua Line tại Việt Nam không nhiều, phần mềm chủ yếu cài để chơi game, chụp ảnh. Hệ sinh thái của Line đang ngày càng mở rộng, họ cũng khuyến khích người dùng bỏ tiền ra nâng cấp game, mua icon, tham gia sự kiện nhiều hơn bằng việc liên tục “bắn” thông báo lên máy người dùng trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, ứng dụng OTT Việt Nam duy nhất đương đầu với các thương hiệu ngoại là Zalo lại mạnh về liên lạc thông qua tin nhắn. So với các đối thủ, Zalo có đầy đủ các tính năng như gọi điện, chat thoại, hình, viết, vẽ hay trang nhật ký riêng. Nhưng hầu hết các ứng dụng khác không “sống” nhiều như tiện ích này, bởi các liên lạc thông qua tin nhắn hoạt động nhiều hơn.

Sự phát triển của Zalo trong năm 2013 cũng được đánh giá là rất mạnh mẽ. Nếu như trong năm 2012, họ là “tay mơ” của thị trường và suýt “chết hụt” vì đi sai đường thì sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2013 với hơn 7 triệu người dùng, vượt cả 2 đối thủ nước ngoài sừng sỏ là Line và Kakao Talk là con số đáng mơ ước của một sản phẩm nội địa. Nếu như Viber khuyến khích khách hàng gọi, Line đặt nặng việc chơi game, thì Zalo chưa thương mại hóa và vẫn tiếp tục thu hút người dùng bằng việc cải tiến tính năng.

Phần lớn người dùng Zalo hiện tại đều chú trọng vào việc nhắn tin bao gồm văn bản, thoại và hình vẽ. Sự trung tính và nhắm vào việc các tài khoản kích hoạt, sử dụng nhiều hơn đang khiến Zalo được sử dụng thường xuyên so với các tiện ích còn lại.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, năm 2014 chắc chắn là thời điểm OTT bùng nổ hơn nữa và cuộc đua sẽ còn gay cấn. Mỗi tên tuổi sẽ thể hiện thế mạnh của mình thông qua các hình thức riêng. Thoại chắc chắn là thế mạnh Viber khó bỏ và họ sẽ chú trọng vào điều này, Line trở thành một mạng xã hội chơi game. Trong khi đó, Zalo được trông chờ sẽ mang tới nhiều bất ngờ khi liên tục thăng tiến và giữ đúng mục đích liên lạc nhiều hơn, chú trọng vào tin nhắn của mình.

Theo ICT News

Bạn có thể quan tâm