Khadija chia sẻ về những tháng ngày lầm lỡ khi gia nhập tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ảnh: CNN |
Trốn chạy thực tại
Từ từ nâng tấm khăn choàng, để lộ gương mặt, đôi mắt nâu mở to nhưng đầy tội lỗi và ẩn chứa nỗi hoảng loạn, cô gái nhỏ nhắn tự xưng là “Khadija” tiết lộ sự thật kinh hoàng về những tháng ngày gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Lớn lên tại Syria và được gia đình tạo điều kiện học tập, Khadija tốt nghiệp đại học và trở thành một giáo viên tiểu học. Cô gái 25 tuổi cho biết gia đình cô “không quá bảo thủ" trong cách nuôi dạy con. Khadija tham gia làn sóng biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad khi phong trào nổi dậy tại Syria bắt đầu cách đây hơn 3 năm.
"Chúng tôi ra khỏi nhà và tổ chức các cuộc biểu tình. Lực lượng an ninh đuổi theo chúng tôi. Mọi người đối phó bằng cách viết thông điệp lên tường và thay đổi trang phục nhiều lần. Quả thật, đó là những ngày tuyệt vời”, Khadija kể với phóng viên CNN về quãng thời gian sôi nổi của cô trước khi gia nhập IS.
Chính trong những ngày Syria rơi vào vòng xoáy của sự hỗn loạn và bạo lực, Khadija đánh mất dần linh hồn và những giá trị con người.
“Mọi thứ xung quanh trở nên hỗn loạn. Binh sĩ Syria, bom thùng, người bị thương, trạm y tế, máu xuất hiện khắp nơi cùng các cuộc không kích diễn ra thường xuyên khiến bạn chỉ muốn thoát khỏi đó. Thế nhưng, tôi lại bỏ chạy tới nơi còn tồi tệ hơn thế”, Khadija nói và đề cập tới IS.
Mơ tưởng tương lai
Cô giáo Khadija đắm chìm vào những lời lẽ thuyết phục của một gã chiến binh người Tunisia về cuộc sống tại IS. Sau nhiều lần trò chuyện trên mạng, cô dần “xiêu lòng” và chính thức đứng trong hàng ngũ những chiến binh IS. Người đàn ông đó nói rằng, IS không phải là một tổ chức khủng bố như người ta thường nghĩ. Hắn nói với Khadija rằng, hắn đã đến thành phố Raqqa.
Trong khi đó, em họ của Khadija và người đang sống cùng chồng tại Raqqa, cũng khuyên cô gia nhập Lữ đoàn Khansa'a, một đơn vị của IS chuyên giám sát trang phục của phụ nữ theo luật của chúng. Sau lời mời gọi của cô ta, Khadija thuyết phục gia đình chuyển tới “trung tâm đầu não” của IS và chính thức gia nhập Lữ đoàn Khansa'a.
Sợ hãi
Hai nữ chiến binh IS thuộc Lữ đoàn Khansa'a. Ảnh: Eaworldview |
Khansa'a là một đơn vị thuộc IS gồm 25 tới 30 phụ nữ. Họ luôn xuất hiện trên đường phố Raqqa nhằm giám sát trang phục của nữ giới. Theo luật do IS tự ban hành, phụ nữ không được phép mặc áo choàng đính hạt hoặc bó sát cơ thể, và không thể để lộ đôi mắt. Những người vi phạm quy định sẽ phải chịu đòn roi. Umm Hamza, người chỉ huy Lữ đoàn, trực tiếp thi hành án phạt.
"Umm Hamza không phải là một phụ nữ bình thường. Cô ta sở hữu một thân hình to lớn và luôn đeo khăn trùm mặt, mang theo một khẩu AK, một khẩu súng lục, một cây roi, một con dao găm", Khadija nhớ lại khoảnh khắc sợ hãi ban đầu khi gặp “sếp” của cô.
Khi gia nhập Lữ đoàn Khansa'a, Khadija được dạy cách lau chùi, tháo dỡ và sử dụng vũ khí. “Lương” của cô là 200 USD/tháng kèm lương thực. Gia đình cảm thấy Khadija đã “đi quá xa”, nhưng họ bất lực khi tìm cách ngăn chặn việc cô làm. Mẹ của Khadija luôn cố gắng cảnh báo và khuyên ngăn con gái.
"Bà luôn nói với tôi rằng: Hãy thức tỉnh và quan tâm tới bản thân. Con đang đi nhưng không rõ nơi cần đến", Khadija nói.
Ám ảnh và rời bỏ
Các chiến binh IS trên đường phố Raqqa. Ảnh: Reuters |
Ban đầu, Khadija không chú ý đến lời cảnh báo của mẹ bởi cô mê đắm quyền lực. "Thời gian đầu, tôi hài lòng với công việc. Tôi cảm thấy tôi có quyền lực trên phố. Nhưng sau đó tôi bắt đầu sợ và lo lắng về chính bản thân. Tôi có bằng cử nhân sư phạm nên không thể trở thành người như thế này. Ý nghĩ nào đã đưa tôi đến đây?", Khadija nhớ lại khoảnh khắc đấu tranh nội tâm mà cô từng trải qua.
Việc Khadija tận mắt chứng kiến cảnh tượng IS đóng đinh một cậu bé 16 tuổi vào cột để làm nhục đã ám ảnh tâm trí cô. Theo Khadija, chiến binh IS đã đối xử tàn bạo với phụ nữ, thậm chí với vợ của chúng. Nhiều trường hợp vợ của chiến binh phải vào bệnh viện vì bạo lực tình dục. Khadija bắt đầu nhìn thấy một tương lai tăm tối mà cô ấy không bao giờ muốn. Cô quyết định rời khỏi chốn ngục tù sau khi người chỉ huy gây sức ép, buộc cô phải kết hôn với một chiến binh IS.
Khadija rời Raqqa sau khi vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài ngày trước khi liên minh quốc tế thực hiện các cuộc không kích vào thành trì của IS tại Syria.
Hiện tại, cảm giác hối hận bủa vây tâm trí Khadija. Cô giáo trẻ đang vật lộn để thích nghi với cuộc sống bên ngoài thành trì IS. Theo Khadija, IS có thể lôi kéo một bộ phận xã hội tại Syria bởi chúng nắm rõ điểm yếu của những người có ý định gia nhập nhóm.
Khadija chia sẻ câu chuyện của cô nhằm giúp mọi người, đặc biệt là phụ nữ, biết rõ sự thật về IS. “Tôi không muốn bất cứ ai khác mắc bẫy của chúng. Rất nhiều cô gái nghĩ chúng là những người Hồi giáo chân chính”, Khadija nói, đồng thời chia sẻ rằng, cô muốn trở lại trạng thái vui vẻ, yêu đời như trước kia.