Mẫu áo hồng được tuyển Đức sử dụng tại EURO 2024 gây tranh cãi. |
Ba tháng trước khi Euro 2024 khởi tranh, tuyển Đức gây sốc khi công bố mẫu áo đấu thứ hai. Thay vì màu xanh lá cây/đen như xưa nay vẫn vậy, người Đức chọn màu hồng. Trên trang chủ, LĐBĐ Đức (DFB) nhấn mạnh màu hồng "đại diện cho một thế hệ CĐV mới tại Đức và sự đa dạng của quốc gia”.
Quyết định này khởi tạo cuộc tranh luận khủng khiếp trên các kênh truyền thông mạng xã hội tại Đức. Một bên coi đây là nước đi đầy sáng tạo, sẽ chinh phục thành công tệp công chúng trẻ tuổi và chiếm sóng mọi nền tảng số. Bên còn lại thì tin cách tân lần này đã đi quá giới hạn. Người Đức không còn là chính mình.
Chỉ vài ngày sau mẫu áo gây sốc này. Người Đức nhận thêm thông tin trời giáng thứ hai: Tuyển Đức sẽ chia tay Adidas và ký hợp đồng với Nike bắt đầu từ năm 2027. 70 năm lịch sử giữa hãng đồ thể thao trứ danh của Đức với "Die Mannschaft" sắp chỉ còn là dĩ vãng.
Trong làn gió đổi thay
Trước là mẫu áo hồng, sau là chia tay nhà tài trợ quốc gia. Truyền thông Đức ví von EURO lần này với ca khúc trứ danh “Wind of change” của ban nhạc huyền thoại Scorpions, ám chỉ một thời đại mới sắp tới, mới mẻ hơn, thời thượng hơn.
Phần còn lại không có được sự lạc quan như thế. Với họ, ngoảnh mặt với truyền thống chưa và sẽ không bao giờ là cách để có được thành công.
Phe nào đúng trong cuộc chiến tư tưởng đang chia rẽ nước Đức này? Không ai biết, nhưng có một điều luôn chắc chắn trong các tình huống tương tự: Chiến thắng sẽ xoa dịu và hàn gắn tất cả. Đấy cũng là nhiệm vụ của tuyển Đức dưới thời HLV Julian Nagelsmann tại EURO 2024 và trước mắt là trận ra quân gặp Scotland.
Trong lần gần nhất bước vào một giải đấu lớn với tâm trí không nằm trên sân cỏ, Đức đã thảm bại. Tại kỳ World Cup 2022 trên đất Qatar, toàn bộ các cầu thủ đá chính của Đức đồng loạt che miệng khi chụp ảnh nhằm phản đối quyết định không được đeo băng thủ quân màu cầu vồng của FIFA. Kết quả: Đức hòa Tây Ban Nha, thua Nhật Bản và về nước ngay sau vòng bảng.
Sau kỳ cúp thế giới thảm họa này, tuyển Đức trải qua năm 2023 đáng quên khi thua 6 trong tổng số 11 trận, chỉ thắng vỏn vẹn 3. Việc bổ nhiệm Julian Nagelsmann vào cuối năm 2023 là nước đi mang tính cứu vãn của DFB trong nỗ lực đưa tuyển Đức trở lại trước kỳ EURO ngay trên sân nhà.
Không thể nói Nagelsmann làm tệ. Sau trận thua 0-2 trước Áo trong trận ra quân, Đức của cựu thuyền trưởng Bayern càng đá càng hay. Trong năm 2024, Đức đã thắng cả Pháp lẫn Hà Lan. Tất cả đều thuyết phục và cho thấy hình ảnh đỉnh cao ngày nào trở lại.
Florian Wirtz ghi bàn mở tỷ số trước Pháp ở giây thứ 8 bằng cú đá ở cự ly ngoài 30 m. Jamal Musiala, Kai Havertz đều chơi tốt. Joshua Kimmich chấp nhận trở lại vị trí hậu vệ phải. Những ngôi sao kỳ cựu mang hơi hướm thể hiện quyền lực cá nhân như Mats Hummels, Leon Goretzka đều bị loại khỏi đội tuyển
Đặc biệt, Nagelsmann còn thuyết phục thành công Toni Kroos trở lại ĐTQG. Xét về lực lượng, Đức đủ sức làm nên chuyện tại kỳ Euro trên sân nhà. Vấn đề duy nhất: Die Mannschaft có giữ được sự tập trung xuyên suốt giải đấu hay không?
Die Mannschaft trả giá vì tập trung vào vấn đề ngoài chuyên môn tại World Cup 2022. |
Nhân dạng thật
Điều khiến phe phản đối chiếc áo đấu màu hồng và việc DFB chia tay Adidas trên thực tế là sự thiếu quyết đoán của những người đứng đầu LĐBĐ Đức. Màu hồng hay tím, đỏ, đen không quan trọng. Thứ tư duy đứng sau mới quyết định vấn đề.
Vì sao người Đức lại cần thay đổi hình ảnh của tuyển quốc gia, và cần cả việc bắt tay với hãng đồ thể thao của người Mỹ? Đây có phải giải pháp lâu dài?
Đứng trên góc nhìn marketing và kinh doanh, đấy đều là những nước đi đặc biệt khôn ngoan. Khi bóng đá đang ngày càng thất thế trước những môn thể thao với thời gian ngắn, hình ảnh phá cách, thu hút sẽ kéo được những tệp khách hàng mới. Nguồn thu nằm ở chính đây. Còn việc bắt tay với nhãn hàng nước ngoài chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích lớn về kinh tế. Ngắn gọn là LĐBĐ Đức chọn “bắt trend”.
Nhưng bóng đá chưa và sẽ không bao giờ là câu chuyện chỉ gói gọn trong marketing, kinh doanh hay xu hướng. Với người Đức, bóng đá là niềm tự hào, là công việc phải hoàn thành với tâm thế của người giỏi nhất.
Trong lịch sử Euro, không đội tuyển quốc gia nào giàu thành tích như Đức. Song lần cuối cùng Die Mannschaft lên ngôi tại sân chơi này là câu chuyện của năm 1996. Thành tích yếu kém từ sau World Cup 2014 cũng là nỗi xấu hổ.
Việc cố gắng làm mới hình ảnh hay thay đổi nhà tài trợ áo đấu không khiến cả gốc lẫn ngọn của nền bóng đá Đức thay đổi. Thomas Mueller sẽ có bàn thắng đầu tiên ở EURO bằng việc thi đấu với chiếc áo hồng? Đức sẽ tìm ra được một trung phong kế tục Miroslav Klose bằng những tuyên ngôn về đa dạng văn hóa? Hay các cầu thủ trẻ như Wirtz, Musiala sẽ thực sự tỏa sáng với niềm hy vọng 3 năm sau tất cả sẽ được mặc áo đấu của Nike? Chắc chắn không.
Thực tế, những nước đi bên ngoài sân cỏ của DFB có thể mang lại nhiều phiền toái hơn tới các cầu thủ, những người sau mọi chuyện tại Nga và Qatar, đều cho thấy bản lĩnh trận mạc có vấn đề. Làm rùm beng, đánh bóng hình ảnh chưa bao giờ là cách để chinh phục một giải đấu lớn, trong mọi thời kỳ. Chưa kể chính điều tương tự từng làm hại Die Mannschaft ở giải đấu gần nhất.
Trận ra quân với Scotland rạng sáng 15/6 (giờ Hà Nội) vì thế đặc biệt quan trọng với cả nước Đức. Đoàn quân của Nagelsmann buộc phải thắng, để tạm giải quyết được cuộc chiến tư tưởng đang chia rẽ cả nước Đức, và còn để cả thế giới thấy nhân dạng thật của chủ nhà Euro 2024.
Mục Thể thao giới thiệu cuốn “Death or Glory: The Dark History of the World Cup” của tác giả Jon Spurling vào năm 2010. Cuốn sách viết về những chuyện hậu trường xung quanh các đội bóng lớn như Brazil, Argentina, Italy, Đức... xuyên suốt các kỳ World Cup từ 1930 đến 2006.