Tác phẩm Nhân sinh kép của nhà văn Đức Anh. Ảnh: Linh Lan. |
Nhân sinh kép xoay quanh hai nhân vật Kiên và Vũ - hai thể xác độc lập nhưng cùng sở hữu một linh hồn chung. Trong khi Kiên sống ở Đà Nẵng, xuất thân trong một gia đình giàu có và thuận lợi từ khi còn nhỏ, thì Vũ ở Hưng Yên phải trải qua một đời cơ cực với nhiều biến động cuộc sống.
Tác phẩm mở đầu bằng việc Kiên đến đám tang của “bản thân mình”, nhưng thực chất là của Vũ. Anh bị sát hại bởi một người đàn ông tên Cảnh. Từ đó Kiên bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu vì sao cái chết đó lại xảy ra? Động cơ của vụ án ấy là gì? Và còn thứ gì ẩn sau những nhân sinh kép mà Kiên chưa từng biết đến?
Một hồn hai xác
Đi sâu vào trong thế giới của Nhân sinh kép, Đức Anh khá táo bạo khi đưa ra những mô hình như nguyên tắc hoạt động của siêu ngã, sinh thể phụ thuộc và những ký ức được chia sẻ chung. Khác với đa nhân cách, những nhân sinh kép vẫn chia sẻ chung một kho ký ức, và họ dễ dàng luân chuyển giữa những thân xác mà bản thân chọn. Khi không được siêu ngã chọn, sinh thể còn lại sẽ liền hoạt động theo bản năng.
Nhưng liệu ta đang sống đây là một siêu ngã hay chỉ là một thân thể? Đức Anh qua cuốn tiểu thuyết đã đặt ra một câu hỏi cho riêng mỗi người. Trong mỗi chúng ta vẫn luôn tồn tại hai cá thể độc lập, một “nhân chi sơ tính bổn thiện” và một mà cuộc đời này đã nhào nặn nên. Lựa chọn đứng về bên nào, thử thách ra sao… tất cả đều nằm trong bàn tay ta và chịu trách nhiệm cho quyết định đó.
Có thể thấy rằng chủ đề hai xác một hồn mà Đức Anh triển khai không hiếm trong các tác phẩm đương đại. Nó khá gần cuốn tiểu thuyết kinh điển Bác sĩ Jekyll và ông Hyde của Louis Stevenson, cũng như hiệu ứng doppelganger mà các tác phẩm điện ảnh từng khai thác. Bên cạnh đó, Đức Anh cũng thêm vào đó chiều sâu triết học, âm mưu của các hội kín… để tăng thêm tính hấp dẫn cho tiểu thuyết này.
Là một cây bút trinh thám ấn tượng, từng thành công trong Tường lửa hay Thiên thần mù sương, Đức Anh cho thấy một sự lên tay rõ rệt khi lồng ghép được thế giới không tưởng vào một tác phẩm thiên về triết lý. Thế giới của Nhân sinh kép về mặt ý nghĩa vẫn luôn xuất hiện ở trong mỗi người. Chẳng phải ta luôn mơ ước rằng mình đã từng chọn khác trong cuộc đời khác, để tránh xa những thất bại cũng như sai lầm? Liệu rằng khi ta có hai con người, có hai lựa chọn… thì cuộc sống này có dễ dàng hơn?
Nhà văn Đức Anh, tác giả của những tiểu thuyết nổi bật như Đảo bạo bệnh, Thiên thần mù sương… Ảnh: NVCC. |
Nhân tâm con người
Việc có hai cuộc đời cũng đại diện cho sự khủng hoảng bản sắc, danh tính, khi không thể biết ta đích thực là ai. Dù sống với cuộc đời nào, những nhân vật trong Nhân sinh kép có vẻ luôn không có hạnh phúc vì mãi nuối tiếc với các lựa chọn mình đã không theo.
Tưởng chừng được sinh ra từ vạch đích, nhưng trong màu xanh bất diệt của căn phòng bọ nẹt, xung quanh là ban giám đốc cùng đồng nghiệp nhìn chằm chằm, Kiên thấy như sắp gục ngã vì một cuộc đời mình không hề muốn.
Ở phía ngược lại là Vũ với những món nợ ngập đầu, là ông Cảnh với tuổi già và những ước mơ nhanh chóng phai tàn. Đó còn là Phát với sự chán ngán sinh thể của mình và vui mừng khi được là Ngọc. Điểm chung của các nhân vật đó chính là họ đều khát khao có cuộc đời mới. Nhân sinh kép khai thác sâu vào các ngóc ngách nhân sinh, ước muốn trường sinh cũng như vật chất bên trong con người.
Để có nhân sinh kép, họ phải đối mặt với nỗi sợ thường trực vì không được sống một cách trọn vẹn, cũng như hối hận khi phải qua một nhân sinh bất kỳ để hướng siêu ngã về phía còn lại. Họ kẹt trong một ngã ba, giữa địa ngục và việc vượt thoát ra khỏi luyện ngục để đến thiên đàng như trong Thần khúc của Dante.
Nhà văn Đức Anh không chỉ cho thấy sức hút của nhân sinh kép, mà còn phác họa những mối nguy hại mà con người dễ dàng mắc phải khi chọn con đường ấy. Trong lớp vỏ của tiểu thuyết trinh thám với các pha hành động, các điểm bất ngờ, nhà văn Đức Anh đã đưa ra được một mâu thuẫn nhân sinh kinh điển và khó trả lời, để từ đó mỗi người sẽ tự đặt ra câu hỏi về bản thể mình mà họ có thể chưa từng biết đến.