Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến giành quyền xem đá bóng của phụ nữ Iran

Đàn ông và phụ nữ cùng xem các trận đấu thể thao ở nơi công cộng là cảnh tượng hiếm khi xảy ra tại Iran do lệnh cấm khắt khe đối với nữ giới.

Vài ngày trước khi World Cup diễn ra, chính quyền Tehran ban hành lệnh cấm nhà hàng và quán cafe phát sóng các trận đấu và cấm phụ nữ cổ vũ bóng đá nơi công cộng. 

Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, người dân Tehran vẫn tụ tập tại quán café để ủng hộ đội nhà. Các cổ động viên chăm chú dõi theo từng đường bóng trên màn hình TV lớn. Họ nhảy lên ghế, chia vui cùng nhau sau mỗi bàn thắng và xuýt xoa khi các cầu thủ bỏ lỡ những pha bóng hay.

Mọi người tập trung xem một trận đấu bóng tại quán cafe ở thủ đô Tehran. Ảnh: America.aljazeera
Mọi người tập trung xem một trận đấu bóng tại quán cafe ở thủ đô Tehran. Ảnh: America.aljazeera

Từ sau Cách Mạng Hồi Giáo 1979 đến nay, phụ nữ Iran không được phép đến các sân vận động lớn xem bóng đá, cho dù họ là những cổ động viên nữ thuộc loại cuồng nhiệt nhất thế giới và phụ nữ chiếm gần 60% dân số. Theo giới chức, lệnh cấm hoàn toàn phù hợp với các quy định của nước Cộng hòa Hồi giáo.

“Chúng tôi rất buồn vì điều đó. Có thể chính quyền muốn bảo vệ phụ nữ bởi khi xem bóng đá, nam giới trở nên cuồng nhiệt và quá khích. Họ có thể làm mọi việc vượt quá tầm kiểm soát. Đó là luật pháp, cũng như nhiều luật ở các quốc gia khác. Nhưng nếu chính quyền cho phép phụ nữ tới các sân vận động để xem bóng đá, chúng tôi rất hoan nghênh”, Shiva, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kinh doanh và đeo mạng che mặt, chỉ lộ đôi môi đỏ vì son, nói.

Phản ứng của Shiva bình tĩnh hơn so với nhiều phụ nữ Iran khác khi họ đối diện với lệnh cấm nữ giới theo dõi bóng đá và các trận đấu bóng chuyền.

“Khi chính quyền cấm phụ nữ tới sân vận động, trên thực tế, họ muốn kiểm soát xã hội. Phụ nữ thường trở thành đối tượng để chính quyền Iran xác định giá trị Hồi giáo”, một cổ động viên nữ giấu tên nói với giọng điệu bức xúc.

“Nhiệm vụ” ở nhà

Người dân thủ đô Tehran tụ tập xem World Cup bất chấp việc chính quyền Tehran ban hành lệnh cấm nhà hàng và quán cafe phát sóng các trận đấu. Ảnh: America.aljazeera
Người dân thủ đô Tehran tụ tập xem World Cup bất chấp việc chính quyền Tehran ban hành lệnh cấm nhà hàng và quán cafe phát sóng các trận đấu. Ảnh: America.aljazeera

Hồi tháng 6, giới chức Iran đã đánh, ngăn cản và bắt giữ nhiều phụ nữ hâm mộ bóng chuyền ở ngoại ô thủ đô Tehran với lý do họ không được phép xem các trận đấu quốc tế tại Iran.

"Trong tình hình hiện nay, phụ nữ xuất hiện tại sân vận động cùng với nam giới là điều không ổn. Do vậy chúng tôi không cho phép phụ nữ tới đây”, giám đốc lực lượng cảnh sát Iran cho biết.

Nayyereh Akhavan Bitaraf, một nghị sĩ bảo thủ tới từ thành phố Isfahan, cho rằng giới chức nên “giữ vững lập trường” trước những ý kiến phản đối về lệnh cấm của một nhóm phụ nữ. Bà Bitaraf khẳng định các cổ động viên mà cảnh sát bắt không phải là những người đại diện chân chính cho phụ nữ Iran.

Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, cho rằng phụ nữ là “xương sống” của xã hội và bác bỏ khái niệm của phương Tây về bình đẳng giới. Ông ca ngợi "an ninh của phụ nữ trong môi trường gia đình" và “cơ hội phát triển tài năng của nữ giới khi đảm đương công việc nội trợ”.

Trong khi đó, Fatemeh Alia, một nghị sĩ từ Tehran, nêu ý kiến: "Công việc của phụ nữ là chăm sóc chồng và con, không phải là xem các trận đấu bóng chuyền".

Phản đối

Đội tuyển bóng chuyền nữ Iran. Ảnh: Press TV
Đội tuyển bóng chuyền nữ Iran. Ảnh: Press TV

Ý kiến của bà Alia lập tức gây nên một cơn bão phản đối trong dư luận. Người ta đã lập một trang web riêng để yêu cầu bà rời khỏi công việc hiện tại và trở về "nhiệm vụ chính" là nội trợ.

Tin về lệnh cấm phụ nữ theo dõi các trận đấu bóng chuyền tại Iran cũng khiến 130 nhà hoạt động nữ quyền cảm thấy bất bình. Họ đã gửi một bức thư phản đối tới Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế.

"Chúng tôi yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt đối xử trong các sân vận động thể thao và tin rằng xã hội Iran không phải là một ốc đảo cô lập với phần còn lại của hành tinh”, Christian Science Monitor trích nội dung trong bức thư.

Gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội đang đua nhau đăng hình ảnh về một phụ nữ Iran trong trang phục áo phông in hình đội tuyển quốc gia, đeo găng tay cao su và giơ cao chai nước rửa chén như thể nó là một chiếc cúp vàng.

“Không buông tha”

Những quy định khắt khe đối với phụ nữ Iran vẫn tồn tại. Ảnh: America.aljazeera
Những quy định khắt khe đối với phụ nữ Iran vẫn tồn tại. Ảnh: America.aljazeera

Tại một quán café chiếu các trận bóng đá World Cup, bạn trai của cô gái Reza Shiva cho rằng giới chức Iran nên dành một phần chỗ ngồi tại khán đài cho phụ nữ.

Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad từng cố gắng bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ Iran đến sân vận động, song ông không thành công do vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của giới giáo sĩ và các nghị sĩ bảo thủ.

"Có lẽ đây là một trong những cột trụ cuối cùng để chứng minh truyền thống của đạo Hồi. Họ đang nắm giữ sức mạnh và sẽ không buông tha," một người quan sát văn hóa Iran nói.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm