Facebook mới đây đã tuyên bố đạt thoả thuận trị giá 264 triệu USD phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm liên tiếp trên nền tảng mạng xã hội của mình tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.
Theo đó, từ mùa giải 2019-2020, người dùng Facebook có thể xem trực tuyến các trận đấu của giải đấu này trên Internet.
Khi gã khổng lồ gia nhập sân chơi bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, cuộc chơi dường như đang nóng lên, nhưng không cân sức.
Cuộc chiến bản quyền Ngoại hạng Anh lại nóng giữa Facebook và nhà đài Việt. Ảnh: Getty. |
Các đài truyền hình Việt muốn cấm
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị có công cụ quản lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Trong đó, VNPayTV đề nghị cơ quan quản lý không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa. VNPayTV cho rằng, theo quy định hiện hành, một cơ quan được phát sóng các chương trình truyền hình phải được xem là một cơ quan báo chí. Do đó, theo Hiệp hội, Facebook cũng phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí.
Chia sẻ với báo chí, đại diện VNPayTV cho hay hội đã đưa đến quyết định kiến nghị với cơ quan chức năng sau khi Facebook không có động thái muốn chia sẻ bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh với các nhà đài Việt.
Vị này cho rằng Facebook có dấu hiệu vi phạm Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và cơ quan chức năng cần cấm Facebook phát trực tuyến giải đấu để tránh nảy sinh tình trạng độc quyền.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến tháng 7/2018 tại Việt Nam có hơn 60 triệu tài khoản Facebook, 14 triệu thuê bao truyền hình trả tiền và khoảng hơn 25 triệu hộ gia đình sử dụng truyền hình quảng bá (miễn phí). Có thể thấy nếu Facebook bước chân vào thị trường, các nhà đài Việt sẽ có phần lép vế.
OTT lấn sân truyền hình truyền thống
Từ trước mùa bóng 2018-2019, bản quyền Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc canh tranh nội bộ giữa các nhà đài Việt. Từng được chiếu miễn phí trên sóng VTV rồi VTC và có phí trên sóng của K+, giải Ngoại hạng Anh luôn là chương trình đắt khách, đi kèm giá bản quyền cũng ngày càng đắt đỏ.
Tuy nhiên, từ sau sự xuất hiện của Facebook, các nhà đài Việt dường như đang ở trong thế bị động khi đối thủ cạnh tranh mới không phải là một đơn vị làm truyền hình thuần túy và tiềm lực của Facebook cũng áp đảo các đơn vị trong nước.
Cái giá hơn 264 triệu USD mua bản quyền phát sóng tại 4 thị trường là Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia nếu ước lượng cũng có thể thấy lớn hơn rất nhiều so với con số dưới 46 triệu USD mà K+ từng trả cho 3 mùa bóng Ngoại hạng Anh 2016-2019.
Các ông lớn OTT đang dần lấn sân truyền hình truyền thống. Ảnh: Ngô Minh. |
Mạnh hơn cả về lượng người dùng lẫn tiềm lực tài chính, đối thủ mới đang tỏ ra vượt trội so với các nhà đài truyền thống Việt Nam. Không chỉ Facebook mà rất nhiều ông lớn OTT khác như Youtube, Amazon, Netflix cũng đã lấn sân truyền hình truyền thống và đang để mắt tới thị trường Việt Nam.
Ngay trong đề xuất gửi Bộ TT&TT, VNPayTV cũng đã đề cập tới việc đề nghị cơ quan chức năng tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như NetFlix, Amazon.
Ngoài ra, VNPayTV cũng kiến nghị Bộ có những biện pháp chống lại các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ OTT, truyền hình trả tiền trên phạm vi cả nước, xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bản chất cuộc chơi đang thay đổi, khán giả Việt Nam có thể là những người sẽ được hưởng lợi khi thị trường có thêm sự cạnh tranh, tuy nhiên với các đài truyền hình tại Việt Nam, việc mất bản quyền Ngoại hạng Anh có thể chỉ là mở đầu cho một cơn ác mộng dài.
Khi thua thiệt về mặt quy mô, nguồn lực, không khó để đoán trước trong những sự kiện thể thao hay giải trí lớn, bản quyền truyền hình sẽ nằm ngoài tầm với của truyền hình Việt Nam nếu phải cạnh tranh với những gã khổng lồ như Facebook, Google.