* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả, một luật sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Từ rất lâu, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lại có những giây phút hào hứng bên màn hình, đón xem các trận đấu của đội bóng đá nam Việt Nam thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á 2018 (ASIAD 18). Đáng tiếc là tại giải đấu lần này, trong hơn 1 tuần, người hâm mô phải tiếp cận một việc hợp tình thông qua hành vi bất hợp pháp, nổi bật nhất là xem bóng đá qua một website có tên Xôi Lạc TV, dù trang này không nắm giữ bản quyền.
Xôi Lạc TV là ai?
Đây không phải là kênh chiếu bóng đá bản quyền duy nhất tại Việt Nam mà là kênh “lậu” thu hút được lượng lớn người xem những ngày qua.
Website này được đăng ký vào tháng 10/2017, và sẽ hết hạn sau 1 năm, tức là tháng 10/2018. Trên dữ liệu của Alexa, trang này mới hoạt động từ cuối tháng 4/2018. Dữ liệu lưu trữ của trang web này cũng ghi nhận lần đầu hoạt động cách đây 3 tháng, tức khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay - trước kỳ World Cup 2018 khai mạc ít lâu.
Website này được đăng ký hosting tại Mỹ, địa chỉ đăng ký 14455 N. Hayden Road, bang Arizona, Mỹ.
Không có bản quyền, đội kỹ thuật viên phải liên tục chuyển đổi giữa các trang web phát lậu. Các link xem trận đấu này thường xuyên bị gián đoạn. |
Những ngày qua, lượng truy cập có thể lên tới 500.000-1.000.000 mỗi ngày. Đa phần lượng tìm kiếm trang web này đến từ Việt Nam (78%), 14,8% đến từ Nhật Bản, số còn lại đến từ nhiều nơi khác.
Những ngày qua, kênh này tường thuật lại các trận đấu này bằng cách livestream (truyền trực tiếp) lại chương trình phát sóng của các đơn vị đã mua được bản quyền từ nước ngoài.
Khung pháp lý tại Việt Nam có đủ để xử lý?
Câu hỏi đặt ra là nếu như một vụ việc xảy ra trên Internet (dù cho thực tế những người tổ chức, vận hành có thể ở bất kỳ đâu) thì liệu có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Dù được thực hiện trên Internet nhưng rõ ràng chủ thể đứng sau trang web chiếu lậu này đang nhằm hướng đến người tiêu dùng Việt Nam. Và do đó, hành vi này hoàn toàn có thể bị xử lý bởi pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, đây là hành vi xâm phạm nào? Hành vi livestream sẽ bị coi là xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, vì có đầy đủ các đặc điểm theo của hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 21.4 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.
Việc livestream rất khó để có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Do hiện tại, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ không đủ để xác định, “bản sao” của tác phẩm - được xem bởi người xem trong quá trình livestream, có được coi là một bản sao tác phẩm theo quy định hiện hành hay không.
Tương tự như thế, cũng rất khó để kết luận rằng hành vi stream bị coi là hành vi phân phối tác phẩm đến công chúng, khi theo quy định tại Điều 21.3 của Nghị định số 22 vì trong trường hợp này, hoàn toàn không hề có việc bán, cho thuê hay các hình thức chuyển nhượng khác đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
Theo các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt chỉ có thể được tiến hành đối với các hành vi vi phạm đã được chứng minh một cách rõ ràng. Nếu không đủ bằng chứng hoặc không có quy định cụ thể để xác định có hay không có bản sao tác phẩm đã được tạo ra, hoặc có hay không có việc bán, cho thuê hay các hình thức chuyển nhượng khác đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể xử phạt đối với các hành vi này.
Có thể xử lý hình sự được hay không?
Có ý kiến cho rằng có thể xử lý hình sự hành vi của Xôi Lạc TV và các trang web lậu tương tự. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng Điều 225 của Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì chỉ xử lý hình sự Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với hai hành vi là “Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình” và “Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình”.
Do đó, với phân tích trên, chỉ có thể xử lý hành vi của các chủ thể đứng sau website bằng biện pháp hành chính mà không thể xử lý hình sự.
Tuy nhiên, dù xử lý với biện pháp nào thì trong vụ việc này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, để xác minh các thông tin liên quan để sớm đưa ra những quyết định của mình để định hướng cho dư luận.
Điều này là đặc biệt cần thiết, để thể hiện một cách rõ ràng quan điểm chính thức của cơ quan quản lý, tránh tình trạng im lặng dễ khiến cho dư luận hiểu nhầm.
Ứng xử với vi phạm bản quyền nhìn từ Xôi Lạc TV
Câu chuyện này đặt ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc phải ứng xử thế nào đối với hành vi xâm phạm bản quyền của website này, và tạo ra sự mâu thuẫn giữa những người xem livestream của kênh này.
Một số người lập luận việc xem kênh lậu là hành động đáng xấu hổ, khi trang xâm phạm bản quyền tác giả nhưng đành chấp nhận, vì không có lựa chọn. Người khác thì xem đây là việc bình thường, vì là nguyện vọng chính đáng của người hâm mộ.
Tràn lan, chia sẻ, công khai, khuyến khích xâm phạm bản quyền, đây có phải là hiện tượng lạ? Nhìn vào tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam là 74%, theo thống kê mới của Liên minh phần mềm BSA, thì thấy sự phổ biến của việc vi phạm ở Việt Nam. Nó chỉ trở nên lạ vì hành vi xâm phạm nổi lên, có nghĩa là người ta dễ bắt gặp, dễ nhìn thấy. Nó chỉ trở nên lạ khi đại đa số biết sai mà vẫn làm.
Vụ việc này cũng lạ hơn nữa khi mà việc xâm phạm bản quyền diễn ra công khai thì vẫn chưa thấy chủ sở hữu lên tiếng, khuyến nghị, cảnh báo xâm phạm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, kênh truyền thông chính thức cũng không quyết liệt phản ánh xâm phạm như cái cách mà World Cup đã từng rất thành công. Ở một quốc gia, khi mà ý thức về bản quyền thấp thì sự quyết liệt của chủ sở hữu, của cơ quan truyền thông là rất cần thiết.
Câu chuyện tranh luận nêu trên không phải là câu chuyện của riêng người Việt Nam, và vẫn sẽ còn là một câu chuyện dài đối với Việt Nam. Bất cứ quốc gia nào trong quá trình xây dựng và thiết lập nên các chuẩn mực ứng xử phù hợp với quy định kinh tế, văn hóa, chính trị, pháp luật mới của quốc gia, chuẩn mực quốc tế cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Qua thời gian, cùng với việc thực thi pháp luật một cách nghiêm khắc thì ý thức và nhận thức của người dân cũng sẽ thay đổi, dẫn đến việc người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với sự thay đổi này. Khi đó, một hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị chính người dân lên án, chứ không phải là rơi vào tình trạng một bên lý một bên tình, khó phân minh như hiện nay.