Thực tế, sau vụ tấn công liên quan khủng bố và theo yêu cầu thu thập chứng cứ, điều mà tòa án muốn Apple “hỗ trợ” không phải là xóa bỏ mã hóa hoặc vượt qua hàng rào bảo vệ của chiếc iPhone 5C làm chứng cứ.
Apple thẳng thừng từ chối yêu cầu trên, trong bức “tâm thư” gửi đến người dùng, Tim Cook cho rằng thực hiện yêu cầu đó là một hình thức “phản bội khách hàng”.
Mashable cho biết, FBI hoàn toàn có khả năng dò ra mật mã 4 chữ số của chiếc điện thoại, vấn đề họ gặp ở đây là cơ chế bảo mật của iPhone, theo đó mọi dữ liệu sẽ bị xóa nếu mật khẩu bị nhập sai quá 10 lần. Do vậy, họ yêu cầu Apple tạo ra một firmware nâng cấp nhằm loại bỏ tính năng bảo mật đó.
Mở khóa iPhone 5C là có thể về mặt kỹ thuật, nhưng đó không phải là điều khiến Apple băn khoăn. Ảnh: The Verge. |
The Verge dẫn lời Dan Guido, CEO của công ty bảo mật Trail of Bits cho rằng, Apple hoàn toàn có khả năng thực hiện yêu cầu đó, bởi iPhone 5C chưa được trang bị nhiều lớp bảo mật so với các thiết bị đời sau như iPhone 5S, 6 hay 6S.
Ngay cả trong bức thư từ chối, Tim Cook không hề nói rằng Apple không thể tạo ra firmware hoặc không thể tìm ra giải pháp mở khóa, rõ ràng, việc từ chối này không liên quan đến vấn đề kỹ thuật.
Rõ ràng, với các công ty công nghệ, bảo mật hoàn toàn thông tin khách hàng là yêu cầu tiên quyết, điều này dường như trái ngược với quan điểm của các nhà hành pháp. Vụ việc này thực tế chỉ là giọt nước làm tràn ly, trước đó, cuộc chiến bảo mật đã nóng lên trên khắp chính trường Mỹ, khi nhiều nghị sĩ yêu cầu các công ty điện thoại không được cài đặt chế độ bảo mật trên thiết bị bán ra, những yêu cầu kiểu này khiến các nhà sản xuất nổi giận, dù chưa hề có quyết định chính thức nào được thông qua. Các nhà hành pháp dường như cho rằng mọi thông tin khách hàng luôn cần được bảo mật khỏi những cá nhân khác, nhưng phải được cung cấp cho họ khi cần.
Vụ việc cho thấy những quan điểm khác nhau về bảo mật. Trong ảnh, các nhân viên an ninh sau vụ tấn công vừa qua tại Mỹ. Ảnh: Mashable. |
Nhiều chính khách Mỹ đã tỏ ra không hài lòng, ứng viên Tổng thống Donald Trump nổi giận trong cuộc phỏng vấn với Fox and Friends và cho rằng “Apple nghĩ họ là ai mà lại không cho phép (chính phủ) tiếp cận với thiết bị của họ”. Ông cũng cho rằng chính phủ nên tạo ra một công nghệ phá hủy bảo mật nhằm sử dụng một lần duy nhất cho tình huống này.
Đây không phải lần đầu tiên Apple được yêu cầu kiểu này, khi tiến vào thị trường Trung Quốc, chính phủ nước này nhiều lần yêu cầu Apple cho phép “kiểm tra an ninh” trên các thiết bị bán ra tại đây, nói cách khác, Apple phải cho phép các cơ quan an ninh tiếp cận mã nguồn của iOS, thông qua đó tự tìm ra các lỗ hổng, điều này mở ra nguy cơ rất lớn cho việc tự do tiếp cận dữ liệu người dùng. Và rõ ràng, điều này đi ngược các cam kết bảo mật của Apple. Hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về câu trả lời của Apple với yêu cầu trên, theo Quartz.
Nguy cơ bảo mật sẽ tăng cao nếu Apple đồng ý yêu cầu này. Trong ảnh, tổng thống Obama đang nhận thư từ iPad. Ảnh: iPhone Developers. |
Do vậy, đồng ý hỗ trợ FBI sẽ mở đường cho rất nhiều rắc rối về sau của Apple, khi họ phải giữ các lớp bảo mật đủ yếu để phá rào bất cứ lúc nào, nhưng đủ mạnh để bảo vệ hàng triệu người dùng, trong đó có cả những nhân vật quan trọng, như tổng thống Obama, vốn vẫn hằng ngày nhận thông tin tình báo thông qua iPad. Chưa kể, đây còn có thể là trường hợp đầu tiên và với sức ảnh hưởng của Apple, rất dễ trở thành tiền lệ đầy sức mạnh để thông qua một chính sách giới hạn bảo mật chung. Khi đó, toàn bộ làng công nghệ sẽ phải chịu ảnh hưởng, và không còn ai được bảo mật hoàn toàn.
Không phải tự nhiên mà cả CEO của Google Sundar Pichai lẫn nhà sáng lập Whatsapp Jan Koum đều lên tiếng bảo vệ Apple. Sundar Pichai cho rằng yêu cầu hỗ trợ bẻ khóa của FBI có thể tạo ra “một tiền lệ rắc rối”, ông đăng trên Twitter cá nhân: “Chúng tôi tạo ra các sản phẩm bảo mật để giữ thông tin người dùng an toàn, và các cơ quan công quyền có quyền yêu cầu hợp pháp việc truy cập thông tin. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc yêu cầu các công ty cho phép hack vào các dịch vụ và dữ liệu khách hàng”.
CEO Sundar Pichai và vài nhân vật công nghệ nổi tiếng khác đã ủng hộ quyết định của Apple. Ảnh: The Verge. |
Tương tự, Jan Koum nói rằng: “Chúng ta không được phép tạo ra tiền lệ nguy hiểm này.” Trước đó, vào năm 2014, Whatsapp đã bị đóng cửa 1 ngày tại Brazil vì không tuân theo yêu cầu của chính quyền trong việc nới lỏng bảo mật và cho phép cảnh sát theo dõi một đối tượng tình nghi.
Theo The Verge, nếu Apple chấp thuận yêu cầu này, hệ thống bảo mật chuẩn mực của họ sẽ sụp đổ, Windows 10 và Chrome sau đó sẽ phải tái cơ cấu, Android cũng phải thay đổi để thích nghi. Và khi nước Mỹ đã thông qua được việc kiểm soát bảo mật người dùng, các quốc gia khác sẽ lần lượt có những chính sách tương tự. Và bất kỳ sản phẩm nào liên quan hoặc lấy cảm hứng từ Apple sẽ chịu ảnh hưởng. Trong thời đại hiện nay, đó chỉ là cách nói khác rằng tất cả mọi người sẽ chịu ảnh hưởng.