Ngay cả khi tái chế sản phẩm, Apple cũng cho thấy sự nghiêm ngặt của mình. Ảnh: Bloomberg. |
Tại một nhà máy với chế độ bảo mật 24/24 thuộc địa điểm bí mật ở Hong Kong, những chiếc iPhone cũ đang được phá hủy một cách cẩn thận.
Đây là một trong số ít nhà máy trên toàn thế giới được Apple chọn để phá hủy và tái chế chiếc điện thoại mang tính biểu tượng của họ. Cũng giống như việc sản xuất iPhone, công đoạn phá hủy nó cũng được làm bí mật và nghiêm ngặt.
Apple bán tổng cộng hơn 570 triệu chiếc iPhone sau 9 thế hệ. Bản thân hãng không nắm được bao nhiêu trong số đó vẫn có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, công ty này muốn càng ít những bộ phận của nó kết thúc vòng đời tại các bãi rác càng tốt.
Quy trình kiểm định sản phẩm trước khi đem tái chế của Apple. Đồ họa: Pekka Aalto. |
Đó là công việc của một nhà máy bên trong khi công nghiệp tại Yuen Long (Hong Kong), thuộc quyền sở hữu của nhà thầu Li Tong Group. Đây là nơi những chiếc iPhone, iPad, và iMac kết thúc vòng đời sản phẩm. Cả Apple và Li Tong không cho phép bất cứ ai tiếp cận khu vực này, cũng không công bố về số lượng máy được tái chế.
Li Tong, Foxconn và một loạt đối tác toàn cầu của Apple nằm trong mạng lưới tái chế iPhone. Họ phải lý một bản thỏa thuận hơn 50 điều, từ đảm bảo an ninh, bảo hiểm, kiểm toán trong việc phá hủy những chiếc điện thoại.
Quá trình này bắt đầu từ hàng trăm cửa hàng Apple Store trên toàn cầu – nơi công ty này cung cấp cho khách hàng các phiếu mua hàng để đổi lấy iPhone cũ.
Sau khi kiểm tra nhanh, nhân viên tại đây sẽ lựa chọn mua lại máy, hoặc thu nhận phế liệu miễn phí. Tại Mỹ, phí trả cho những chiếc iPhone cũ còn hoạt động dao động từ 100 USD (cho iPhone 4 dung lượng nhỏ nhất) đến 350 USD (iPhone 6 Plus dung lượng lớn nhất). Những kiểm tra nghiệm ngặt hơn sau đó sẽ quyết định, chiếc iPhone có thể được bán lại hoặc đem tái chế.
Quy trình tái chế iPhone của Apple. Đồ họa: Pekka Aalto. |
Khi đối tác của Apple quyết định một chiếc điện thoại buộc phải tái chế, nó sẽ trải qua một quy trình nghiêm ngặt, không khác gì khi sản xuất. Apple trả tiền cho dịch vụ này và sở hữu từng gram vật liệu tái chế, theo Linda Li – Giám đốc chiến lược của Li Tong. Quá trình này bao gồm khoảng 10 bước, được đo lường, kiểm soát trong các phòng chân không nhằm lưu giữ 100% các chất hóa học và tránh rò rỉ khí gas trong quá trình tái chế.
Vật liệu có được sau tái chế không được trộn lẫn với thương hiệu khác. Apple có khoảng 300 nhân viên giám sát hoạt động của nhà máy này. “Apple kiểm soát từng mảnh vật liệu tái chế thiết bị của mình để tránh các sản phẩm nhái Apple xuất hiện trên thị trường”, Li cho biết. Họ đang tìm cách để tái sử dụng các vật liệu này trong tương lai.