Saudi Arabia đang có những bước đi quyết liệt nhằm vực dậy tài chính trước cú sốc giá dầu và tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế. Theo đó, kế hoạch đại cải cách mang tên "Tầm nhìn 2030" của thái tử Mohammed bin Salman, nhằm giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ, có nguy cơ cạn vốn và đi chệch đường.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images. |
Mới đây, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới công bố một loạt biện pháp nhằm tăng ngân sách, bao gồm việc giảm mạnh số tiền mặt cấp cho người dân và tăng thuế tiêu thụ gấp 3 lần lên 15% bắt đầu từ tháng 7.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ giúp lấp đầy lỗ hổng trong ngân sách của chính phủ khi kết hợp với loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách được công bố hồi đầu năm. Ngân sách chính phủ chiếm tới gần 8% GDP hàng năm của nước này.
Giá dầu lao dốc, ngân sách co hẹp
Đồng thời, chính phủ Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ, khoảng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 6. Đây là động thái mới nhất của nước này trong loạt nỗ lực nhằm vực dậy giá dầu khi cuộc chiến giành thị phần với Nga và Mỹ thất bại, cùng với nhu cầu toàn cầu lao dốc do dịch bệnh khiến giá dầu xuống thấp kỷ lục.
Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc gia của Saudi Arabia, ngày 12/5 công bố lợi nhuận ròng giảm 25% trong quý I/2020. Giá dầu Brent đã giảm gần 2/3 trong quý đầu năm nay, xuống dưới 23 USD/thùng vào cuối tháng 3. Tại Mỹ, ngày 20/4, giá hợp đồng dầu tương lai giao tháng 5 thậm chí tụt xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Giá dầu lao dốc trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm mạnh và dịch bệnh khiến ngân sách của Saudi Arabia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: CNN. |
Trước khi công bố loạt biện pháp trên, Saudi Arabia vốn trong tình thế phải đẩy giá dầu lên cao gấp đôi để cân đối ngân sách đang phải chi mạnh cho các vấn đề xã hội và quân sự.
Tình trạng thâm hụt có thể sẽ khiến thái tử Mohammed phải cân nhắc lại Tầm nhìn 2030. Đây là kế hoạch nhằm đa dạng hoá nền kinh tế với các sáng kiến, gồm nhiều dự án du lịch khổng lồ và một thành phố tương lai, với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ USD. Ngân sách dành cho kế hoạch này, chủ yếu đến từ tiền bán dầu thô, đang cạn dần với tốc độ đáng báo động.
"Thời điểm giá dầu lao dốc thật tồi tệ bởi những nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế của Saudi Arabia vẫn chưa đơm hoa kết trái, thậm chí còn chưa bắt đầu một cách toàn diện và giờ đây chính phủ gặp khó khăn hơn để thực hiện kế hoạch đó với nguồn ngân sách đầy đủ", Christof Rühl, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.
Theo Rühl, trong tình hình phải thắt lưng buộc bụng như hiện tại, chính phủ Saudi Arabia sẽ gặp khó khăn hơn khi đầu tư những khoản lớn cho các dự án đậm vốn như NEOM - thành phố tương lai có chi phí đầu tư 500 tỷ USD trên Biển Đỏ.
Dự trữ ngoại hối trong tháng 3 của Saudi Arabia đã giảm 26 tỷ USD, mức giảm tháng lớn nhất từ trước tới nay. Hiện dự trữ ngoại hối của nước này là 465 tỷ USD, giảm mạnh từ mức đỉnh 750 tỷ USD của năm 2014.
Triển vọng kinh tế ảm đạm, FDI lao dốc
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng ảm đạm bao trùm kinh tế Saudi Arabia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế nước này giảm 2,3% trong năm nay.
Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thô trên toàn cầu đã giảm gần 30% trong tháng trước và được dự báo giảm 10% trong cả năm nay. Các nhà phân tích cảnh báo rằng nhu cầu dầu trên toàn cầu có thể không bao giờ phục hồi mức trước đại dịch.
Nhu cầu dầu trên toàn cầu được dự báo không bao giờ phục hồi mức trước đại dịch. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, Mohammed al-Jadaan, mới đây tuyên bố mọi thứ liên quan tới việc cắt giảm ngân sách cần được đem ra thảo luận, ngoại trừ các nhu cầu cơ bản của người dân. Suốt nhiều thập kỷ qua, người dân nước này đã được hưởng những khoản trợ cấp hào phóng về lương thực, điện và xăng dầu.
Thái tử Mohammed bắt đầu triển khai kế hoạch cải cách kinh tế tham vọng của mình vào tháng 4/2016. Ông lập ra Quỹ đầu tư Quốc gia với số vốn 400 tỷ USD nhằm thúc đẩy các dự án đa dạng hoá nền kinh tế. Một phần vốn của quỹ này được lấy từ số tiền huy động qua đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 25,6 tỷ USD của Saudi Aramco.
Hiện tại, Aramco đang chần chừ trước khoản tiền 69 tỷ USD mà hãng này đã đồng ý rót vào Quỹ đầu tư Quốc gia. Chia sẻ với CNN ngày 12/5, đại diện Aramco cho biết thương vụ này có thể hoàn tất trong quý II.
Theo các nhà phân tích, một thách thức lớn nữa là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Saudi Arabai đã giảm mạnh sau chiến dịch bắt giữ và tịch thu 107 tỷ USD từ 381 người giàu trong nước của thái tử vào năm 2017. FDI vào nước này hiện chỉ bằng 1/4 so với 10 năm trước.
Hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia và các nước OPEC có vượt qua được tình trạng nhu cầu toàn cầu lao dốc do đại dịch hay không. Nếu không, giá dầu thô sẽ duy trì ở mức thấp và ngân sách của Saudi Arabia sẽ tiếp tục thâm hụt.
"Thực tế là giá dầu sẽ ở mức thấp hơn so với những gì họ dự tính từ lâu cho ngân sách quốc gia", chuyên gia Rühl của Đại học Columbia cho biết.