Trưa ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giảm 10,19%, xuống còn 15,55 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 4,09%, xuống còn 21,08 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lên 518,6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 17/4, tiệm cận mức kỷ lục 535 triệu thùng của năm 2017. Lượng dầu dự trữ tại các kho nổi thì đã cao nhất mọi thời đại, với 160 triệu thùng.
Một đường ống tại Khu dự trữ dầu khí chiến lược liên bang ở Beaumont (Texas, Mỹ). Ảnh: CNBC. |
Giá dầu đã giảm trong 3 tuần liên tiếp, tính rộng ra là đi xuống 8 trong 9 tuần gần nhất. Chốt tuần trước, dầu Brent giảm 24%, còn WTI mất 7%.
“Tồn kho tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp đang gây sức ép lớn lên tâm lý thị trường”, các nhà phân tích tại ANZ nhận định.
Tuần trước, giao dịch dầu biến động mạnh khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo. Việc này thực tế đã diễn ra từ đầu tháng 3 khi nhu cầu dầu thô trên thế giới giảm 30% vì dịch Covid-19.
Thương nhân buôn dầu dự báo các nhà sản xuất dầu mỏ cam kết giảm sản lượng là không kịp để hạn chế giá dầu giảm sâu. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo tài chính tuần này của các hãng dầu lớn như Exxon Mobil, BP và Royal Dutch Shell.
Các nhà sản xuất thì có thể không giảm lượng khai thác đủ nhanh hoặc đủ mạnh để kéo giá dầu lên, đặc biệt khi sản lượng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm 2% trong năm nay, tệ hơn cả khủng hoảng tài chính.
Dữ liệu từ Baker Hughes cũng chỉ ra số giàn khoan ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016. Trong khi đó, tổng số giàn khoan dầu khí ở Canada cũng thấp nhất kể từ năm 2000.
“Lưu vực Permian và New Mexico chiếm 62% số giàn khoan tạm ngưng hoạt động, một dấu hiệu đáng ngại khi nhìn nhận đây là một trong những khu vực thịnh vượng hơn Mỹ”, ANZ nhận định.