Đó là khoảnh khắc nhỏ dễ bị bỏ quên giữa những cuộc biểu tình đang lan khắp nước Mỹ. Đối với nữ cảnh sát trên cũng như cảnh sát trên khắp nước Mỹ, đây là thời điểm bấp bênh và hỗn loạn cho nghề nghiệp của họ.
Họ đã bị người biểu tình tấn công, và chính họ cũng tấn công người biểu tình. Một số cảnh sát đã được ca ngợi sau khi video ghi lại cảnh họ bắt tay và ôm người biểu tình, quỳ xuống cảm thông, diễu hành cùng người biểu tình, biến cuộc biểu tình căng thẳng thành cuộc diễu hành đoàn kết.
Nhưng số khác lại bị kỷ luật, bị sa thải, bị truy tố sau khi dùng vũ lực quá mức với người biểu tình, trong bối cảnh các lãnh đạo của họ đang nhanh chóng trừng phạt các hành vi nặng tay vốn xảy ra thường xuyên trong các cuộc biểu tình trước đây, theo New York Times.
Pháo sáng ném về phía cảnh sát bên ngoài Sở Cảnh sát Ferguson, Missouri ngày 31/5. Ảnh: New York Times. |
Thời điểm nguy hiểm nhất đối với cảnh sát
Tổng thống bảo họ hãy “áp đảo” người biểu tình bằng vũ lực. Cấp trên lại bảo họ hãy nhẫn nhịn, cảm thông và tôn trọng cho người biểu tình. Người biểu tình thì bảo cảnh sát là một phần của vấn đề. Truyền thông nói cảnh sát nên cẩn thận lời nói và hành động của mình.
Tất cả những thông điệp trên va chạm lẫn nhau, còn cách hành xử của cảnh sát được phân tích và công khai trên mạng xã hội. Hành động của cảnh sát không còn là vấn đề địa phương, mà nhanh chóng trở thành vấn đề liên bang. Họ bị ném gạch đá, trúng đạn hay bị người biểu tình đâm xe ở một vài thành phố. Tất cả đè nặng lên cảnh sát.
Chẳng hạn, ở St. Louis vào tối 1/6, bốn cảnh sát bị trúng đạn trong vụ đọ súng với một tay súng tại cuộc biểu tình. Ở Las Vegas, một cảnh sát phải cấp cứu vì trúng đạn sau khi cố gắng giải tán đám đông đang ném chai lọ và đá. Ở Buffalo, New York, một chiếc SUV đâm vào một hàng cảnh sát trong bộ đồ chống bạo động, làm bị thương hai cảnh sát, và vụ việc được ghi lại trên video.
“Chúng tôi cảm thấy như con tốt trong cuộc chơi”, một cấp trên thuộc lực lượng cảnh sát vùng St. Louis nói với New York Times với điều kiện giấu tên, để có thể chia sẻ thẳng thắn về công việc. “Như thể chúng tôi bị cả hai bên lợi dụng, cả cánh tả và cánh hữu, cho toan tính của mình”.
Người cấp trên này nói làm cảnh sát bây giờ cảm thấy nguy hiểm hơn là trong các cuộc bạo loạn năm 2014 sau vụ giết hại Michael Brown ở Ferguson, Missouri.
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York. Ảnh: New York Times. |
Đa phần công việc của cảnh sát mang tính địa phương, nhưng vụ việc của George Floyd đã khiến họ trở thành cuộc tranh cãi toàn quốc, và các sở cảnh sát khắp nước Mỹ, từ thành thị đến ngoại ô, đều đang phải gồng mình. Và còn đó dịch Covid-19 chưa qua.
“Những cuộc biểu tình như thế này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cảnh sát, và tạo thêm nhiều stress”, Manny Ramirez, một cấp trên thuộc Sở Cảnh sát Fort Worth, Texas, và cũng là chủ tịch công đoàn cảnh sát, nói với New York Times. “Đây là Fort Worth, cách (Minneapolis) 1.500 km, nhưng những cảnh sát ở đây cũng trở thành mục tiêu của sự phẫn nộ”.
Ramirez, 35 tuổi, có nhiệm vụ chỉ huy vào ngày 31/5 khi người biểu tình ném chai nước và gạch đá vào cảnh sát. Một cảnh sát bị ném vật thể trúng vào tay. Một người khác bị gãy chân khi đuổi theo những kẻ cướp phá.
“Phải có cách nào đó để đảm bảo rằng trong tương lai, chúng ta có điều gì mang tính xây dựng từ đợt này”, ông nói.
Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơi cay bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6. Ảnh: AP. |
Phơi bày trước cả thế giới
Ở Beverly Hills, bang California, ngày 2/6, cảnh sát đang theo dõi vài trăm người biểu tình. “Bốn ngày nay rồi tôi chưa về nhà”, một cảnh sát Los Angeles đang theo dõi đám đông cho biết. “Bạn gái tôi phải mang quần áo đến để tôi thay. Như là địa ngục vậy, cho tất cả mọi người. Tôi chỉ làm việc được nhờ nước tăng lực thôi”.
Khi cả thế giới đang hướng sự chú ý về các cuộc biểu tình, thông qua tivi và mạng xã hội, những gì tốt đẹp nhất và xấu nhất của cảnh sát Mỹ đang được phơi bày.
Người biểu tình, cả ôn hòa lẫn bạo lực, đã bị cảnh sát đánh đập . Ở Denver, một cảnh sát bị sa thải sau khi đăng hình cảnh sát trong bộ đồ chống bạo động trên mạng và viết kèm “Hãy bạo loạn đi nào”.
Ở Austin, Texas, một người biểu tình da màu 20 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch sau khi cảnh sát bắn đạn cao su vào đầu hôm 31/5. Người ném đồ vật vào cảnh sát là một người khác, đứng bên cạnh, nhưng cảnh sát lại bắn đạn cao su vào anh ta. Ngoài ra, một phụ nữ đang hỗ trợ y tế và một phụ nữ khác đang mang thai cũng bị trúng đạn.
“Tôi gần như suy sụp”, Bryan Manley, cảnh sát trưởng thành phố Austin, Texas, nói tại một cuộc họp báo ngày 1/6. “Tôi đã khóc vài lần ngày hôm nay”.
Giữa lúc căng thẳng đường phố lên cao, những sai lầm như trên khiến hình ảnh của cảnh sát bị ảnh hưởng.
Cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông ở Atlanta. Ảnh: AP. |
Về nhiều phương diện, phản ứng của cảnh sát với những gì diễn ra trên đường phố cho thấy sự thay đổi sau phong trào biểu tình năm 2014, bắt nguồn từ Ferguson, Missouri. Các cảnh sát, cả cấp trên lẫn nhân viên, đã phải làm quen với biểu tình, và đứng về phía người biểu tình đến mức còn diễu hành cùng họ. Ở một số địa phương, các cảnh sát trưởng đã lên tiếng nhiều hơn về chính trị và đã thể hiện quan điểm nhiều hơn trước, theo New York Times.
Ở Redlands, thuộc hạt San Bernandino, bang California, người biểu tình quỳ gối, cúi đầu mặc niệm trong 8 phút 46 giây, biểu tượng cho 8 phút 46 giây mà cảnh sát Minneapolis đã đè lên cổ của George Floyd. Trong số người quỳ xuống có Chris Catren, cảnh sát trưởng của Redlands.
“Cảnh sát 2.0 là phải như vậy”, ông nói.
“Làm cảnh sát, bạn không thể chỉ bước một chân rồi để một chân ở ngoài”, ông nói. “Hoặc là bạn nhảy hẳn vào, hoặc là không. Khi có sự vụ như vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh của cảnh sát trên cả nước và những sự tin tưởng mà chúng tôi đã xây dựng với cộng đồng - đó là điều đáng thất vọng”.