Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cùng loại vaccine Covid-19, vì sao tỷ lệ tử vong ở các nước khác nhau?

Khoảng cách giữa các mũi tiêm, tốc độ chủng ngừa, độ tuổi lây nhiễm và miễn dịch tự nhiên là những yếu tố khiến tỷ lệ tử vong ở các quốc gia khác nhau dù sử dụng cùng loại vaccine.

tu vong vi covid-19 anh 1

Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới đều có tỷ lệ tiêm chủng cao, đồng thời sử dụng một số loại vaccine có hiệu quả tốt nhất. Vậy tại sao ở một số nơi, tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây lại cao hơn so với những khu vực khác?

Bloomberg đã rút ra nhiều bài học để giải thích cho điều này từ đợt triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử. Dữ liệu hiện tại của Bloomberg chỉ ghi nhận trong một thời điểm cụ thể, do đó không có gì đảm bảo các quốc gia hiện có tỷ lệ tử vong thấp có thể duy trì xu hướng đó.

Phân tích tập trung vào các nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine trên 55% và dân số ít nhất một triệu người, sử dụng vaccine AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, phân tích chỉ chọn những người đối mặt với hai đợt lây nhiễm: Một đợt đạt đỉnh dịch trong vòng 6 tháng trước khi chạm mốc 10% tỷ lệ bao phủ vaccine và một đợt khác vào mùa hè tại bán cầu Bắc khi biến chủng Delta bắt đầu lan rộng trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, có nhiều yếu tố khác ngoài loại vaccine và phạm vi tiêm chủng đóng vai trò làm giảm số ca tử vong.

Sự khác biệt trong khoảng thời gian giữa các mũi tiêm

Các quốc gia như Đức, Đan Mạch và Anh đã chứng kiến ​​số ca tử vong vì Covid-19 giảm khoảng 1/10 so với mức đỉnh trước đó, theo tính toán của Bloomberg sử dụng dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp. Trong khi đó, tại Israel, Hy Lạp và Mỹ, số trường hợp tử vong có giảm, nhưng vẫn bằng một nửa so với mức cao nhất trước đó.

Một số nơi có tỷ lệ tử vong thấp đã chấp thuận khoảng thời gian tiêm 2 mũi xa hơn so với khoảng thời gian 3-4 tuần trên thế giới. Vương quốc Anh vào tháng 12/2020 từng gây tranh cãi khi cho phép kéo dài tới 12 tuần giữa các liều vaccine AstraZeneca. Hiện quyết định này đã được xác nhận là mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ.

Đan Mạch và Đức cũng chấp thuận trì hoãn thời gian giữa các lần tiêm chủng, 12 tuần giữa các liều AstraZeneca ở Đức và 6 tuần đối với mũi tiêm Pfizer/BioNTech ở Đan Mạch.

Hiệu quả kết hợp hai mũi tiêm dường như mạnh hơn khi mọi người nhận liều thứ 2 sau khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phản ứng hoàn toàn với liều đầu tiên. Quá trình này mất hơn một tháng.

tu vong vi covid-19 anh 2

Người dân London xếp hàng chờ tiêm chủng tại sân vận động đầu tháng 6. Ảnh: Bloomberg.

Ngoài ra, theo chuyên gia dịch tễ học Hitoshi Oshitani tại Đại học Tohoku của Nhật Bản, các quốc gia tiêm chủng nhanh như Israel và Mỹ có khả năng có "lá chắn" tiêm chủng yếu hơn khi biến chủng Delta xuất hiện vì khả năng miễn dịch suy yếu.

Một nghiên cứu chỉ ra trong số hai nhóm người tiếp xúc với biến chủng Delta, nhóm đã tiêm chủng 5 tháng trước đó có tỷ lệ lây nhiễm "đột phá" có triệu chứng - tức là họ vẫn dương tính với Covid-19 sau khi chủng ngừa - cao hơn 50%.

“Với sự suy yếu của khả năng miễn dịch, bắt đầu tiêm chủng càng sớm thì càng có nhiều trường hợp lây nhiễm 'đột phá' hơn”, ông Oshitani nói. “Đây có lẽ là lý do Israel có số ca mắc và tử vong cao dựa trên tỷ lệ dân số”.

Ngược lại, các quốc gia châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm chủng chậm cung cấp số lượng lớn vaccine suốt mùa xuân, vài tháng trước khi biến chủng Delta hoành hành.

Độ tuổi và miễn dịch tự nhiên

Làn sóng ca mắc và tử vong vì Covid-19 mới đã không xảy ra ở Đan Mạch kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào đầu năm. Quốc gia này cũng đã dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch.

Các quan chức cho biết việc tập trung tiêm phòng cho người cao tuổi đã giúp Đan Mạch giảm thiểu số người chết vì Covid-19. Nhờ tiêm chủng, tỷ lệ tử vong trung bình 7 ngày ở nước này đã giảm xuống còn 9% so với mức đỉnh trước đó.

Tập trung tiêm vaccine cho đối tượng cao tuổi cũng giúp ích cho Nhật Bản. Khoảng 90% dân số trên 65 tuổi ở Nhật đã được tiêm phòng. Hiệu quả của chiến lược này thể hiện rõ khi biến chủng Delta càn quét và gây ra làn sóng dịch vào tháng 8 ở quốc gia này.

Số ca tử vong cao nhất giảm 43% so với mức đỉnh trước đó, mặc dù số ca mắc cao gấp 2,5 lần. Do Nhật Bản là một trong những nơi có dân số già nhất thế giới, biến chủng Delta có thể khiến số lượng người không qua khỏi nhiều hơn nếu chiến dịch tiêm chủng không ưu tiên triển khai cho người lớn tuổi.

“Sự phân bổ lây nhiễm theo độ tuổi rất quan trọng”, Spencer Fox - Phó giám đốc tại Đại học Texas ở Austin, chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm - cho biết. “Ví dụ, một quốc gia chủ yếu lây lan ở trẻ em so với một quốc gia khác phần lớn lây lan ở người lớn tuổi, thì sẽ có tỷ lệ tử vong rất khác nhau giữa các quốc gia”.

tu vong vi covid-19 anh 3

Bác sĩ tiêm vaccine Pfizer/BioNTech tại một viện dưỡng lão ở Kawasaki, Nhật Bản, hồi đầu tháng 4. Ảnh: Bloomberg.

Làn sóng dịch do biến chủng Delta gây ra vào mùa hè ở Nhật Bản cũng chỉ ra một yếu tố phức tạp khác: Khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số ở các đợt dịch trước đó.

Nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả, phần lớn các quốc gia châu Á đã tránh được những kịch bản tồi tệ nhất trước khi biến chủng Delta xuất hiện. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa họ có khả năng dễ bị tổn thương hơn bởi biến chủng này. Đây chính là điều khiến những nơi như Trung Quốc đại lục hay Hong Kong lo ngại khi mở cửa biên giới.

Bên cạnh đó, những đợt dịch "tiền Delta" có thể giúp một số quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao chống chọi tốt hơn với biến chủng này. Nam Mỹ - khu vực bị tàn phá bởi biến chủng Gamma và Lambda vào đầu năm nay - không ảnh hưởng quá nhiều bởi biến chủng Delta. Những đột biến trước đó đã tạo ra mức độ miễn dịch nhất định, vaccine đóng vai trò như một liều tăng cường.

Ông Fox cho biết một điểm khác biệt nữa là hành vi của công chúng: “Nếu so những người chưa tiêm phòng chung sống bình thường với Covid-19 ở một quốc gia, với những người chưa nhận liều vaccine nào ở một quốc gia khác vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn sẽ thấy những xu hướng khác nhau”.

Sự phản đối đối với biện pháp phong tỏa, cùng với sự phục hồi nhanh chóng hoạt động đi lại trong nửa đầu năm 2021 tại Mỹ có thể đã góp phần khiến số người chết do biến chủng Delta đạt đỉnh cao hơn ở mức trước đó so với các nước châu Âu, Bloomberg nhận định.

Người đàn ông có siêu kháng thể, tự khỏi bệnh Covid-19 John Hollis được phát hiện có "siêu kháng thể" trong máu giúp miễn dịch với Covid-19. Ngay cả khi pha loãng đến 10.000 lần, máu của ông vẫn có thể tiêu diệt được 90% virus.

Vũ khí Singapore chuẩn bị khi sống chung với Covid-19

Chuyên gia Singapore cho rằng mũi tiêm thứ 3 giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng ở đối tượng dễ bị tổn thương khi nước này mở cửa và số trường hợp nhiễm tăng cao.

Phép thử với Covid-19 khi châu Âu cho trẻ em trở lại trường

Châu Âu đang bước vào giai đoạn thử nghiệm mới trong tiến trình chống lại đại dịch Covid-19: Mở cửa trường học dù biến chủng Delta hoành hành.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm