Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Củng cố bản lĩnh và niềm tin để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Từ thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, phải từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đồng bộ, hiệu quả. Mặt khác, tội phạm tham nhũng có tính quốc tế, là vấn nạn của các quốc gia; phải đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.

Tích cực tham gia các sáng kiến, diễn đàn quốc tế, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Nội luật hóa và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung 4 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một chương riêng nói về hoạt động phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Chúng ta đã phát hiện, xử lý một số vụ án lớn xảy ra ở khu vực ngoài nhà nước; điển hình như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...

Đúc kết, rút ra những bài học có giá trị để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin.

Từ thực tiễn phong phú của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, trong đó nổi lên mấy vấn đề cốt yếu sau đây:

Trước hết, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất đúng, hành động quyết liệt và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị; Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, trước hết cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu, hơn ai hết, phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.

Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Ba là, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là "then chốt của then chốt", là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu.

Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu vụ án tu dưỡng, rèn luyện? Đây là bài học rất đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu.

Nếu ai chẳng may đã “nhúng chàm” thì cần tự giác báo cáo với tổ chức, chủ động khắc phục hậu quả gây ra để được khoan hồng.

Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá. Phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa; phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây như Bác Hồ đã dạy.

Phải tiến hành đồng bộ giữa thi hành kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Năm là, phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”; tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Vì vậy, người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài. Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý như vậy.

Mặt khác, phải xây dựng cho được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.

Sáu là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực thi nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bảy là, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ đã dạy.

Tám là, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.

Trong từng giai đoạn khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung những vấn đề mới, cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những bài học kinh nghiệm nêu trên là quý báu và là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục vận dụng, phát huy, giúp chúng ta có thêm quyết tâm, bản lĩnh và niềm tin để thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.