Bạn trẻ trải nghiệm thiết bị đọc sách số tại triển lãm. Ảnh: Thụy Trang. |
Tọa đàm "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành" là sự kiện Cục Xuất bản, In và Phát hành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức. Đây là một hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10). Buổi tọa đàm tập trung bàn về 2 chủ đề: Sách về chuyển đổi số và Chuyển đổi số ngành sách.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Tuấn nhận định: “Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”. Ông cho rằng cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo bước ngoặt trong lịch sử truyền thông và sự ra đời của sách điện tử, sách nói giúp người đọc tiếp cận thông tin nhanh chóng, tạo sức đột phá cho văn hóa đọc.
Sách phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Tham dự tọa đàm có TS Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông; GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học (VIASM), Giám đốc khoa học Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP HCM; ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka.
(Từ trái qua phải): Ông Đinh Quang Hoàng, GS.TSKH Hồ Tú Bảo và TS Vũ Khắc Lịch tại tọa đàm. Ảnh: Thụy Trang. |
Là người đã nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong nhiều năm, ông Hồ Tú Bảo nhận định môi trường số thực chất là môi trường thực số, tức là số hóa phần thực. Ông cho rằng chuyển đổi số gắn liền với trí tuệ nhân tạo. “Chuyển đổi số giúp con người làm việc tốt hơn”, ông Bảo nói.
Chia sẻ những cuốn sách góp phần đặt nền móng kiến thức cho công tác chuyển đổi số, ông Bảo chia sẻ 3 cuốn: Việt Nam thời chuyển đổi số của Think Tank Vinasa, Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chuyển đổi số thế nào? của Bộ Thông tin và Truyền thông.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho rằng nhận thức chung của xã hội về chuyển đổi số còn khá hạn chế, nên việc làm ra sách để phổ biến, nâng cao nhận thức là rất quan trọng.
Theo đó, ông nghĩ nhận thức của con người là yếu tố tiên quyết, kế đó là cần thiết lập thể chế bảo vệ bản quyền cho các đơn vị chân chính và phát triển công nghệ đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xuất bản
TS Nguyễn Khắc Lịch khẳng định: “Chuyển đổi số không phải mục đích. Chuyển đổi số là quá trình”.
Ông cho rằng chúng ta hiện nay vẫn kết hợp làm việc trên cả điện tử và giấy, chưa chuyển đổi số hoàn toàn. “Nếu không làm toàn diện, thì sẽ mang thêm gánh nặng, tăng gấp đôi lượng việc”.
Ngoài ra, ông Lịch gợi ý thực hiện nền tảng cho người đọc tự xây dựng thư viện số cá nhân, cung cấp thêm những ứng dụng thông minh như đánh dấu trang, ghi chú trang.
Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka, cho rằng khái niệm chuyển đổi số rất rộng và sách điện tử chỉ là một phần nhỏ của ngành xuất bản. Ông nhận thấy sau dịch, hoạt động kinh doanh xuất bản có xu hướng tăng cường công nghệ. Ông cũng cho rằng việc số hóa sẽ giúp tối ưu được thời gian, tiết kiệm công sức cho ngành, tuy nhiên, quá trình số hóa nên có sự kiên trì thì chất lượng và hiệu suất sẽ dần cải thiện.
Giám đốc Waka cho rằng rất khó để ngăn chặn 100% vấn nạn vi phạm bản quyền trên nền tảng số. Điều duy nhất có thể làm là chung tay phát triển nền xuất bản điện tử thật mạnh để lấn át những bên vi phạm bản quyền.
Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thụy Trang. |
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, khẳng định chuyển đổi số là xu thế của mọi ngành nghề, đồng thời là một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của hoạt động xuất bản.
Ông Nguyên chia sẻ tình hình hơn 2 năm qua với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây cản trở doanh số ngành xuất bản. Nhưng ông cho rằng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói… nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.
Bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội, ông Nguyên cho rằng hiện nay việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường sách số là vấn đề đặt ra với không chỉ riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số.
Ngoài ra, ông Nguyễn Nguyên cũng chia sẻ lộ trình, giai đoạn chuyển đổi số, với phương châm: “Không cầm tay chỉ việc mà chỉ định hướng để các đơn vị làm”. Ông cho biết Cục Xuất bản sẽ ủng hộ, hỗ trợ, nhưng không làm thay các đơn vị.