Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết trong năm 2022, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý trên 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 11% tổng số vi phạm giao thông). Đặc biệt, 30% số vi phạm nồng độ cồn bị xử lý có mức vi phạm vượt mức kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4 mg/l khí thở).
Cơ quan này đánh giá đây là “con số thực sự rất đáng báo động” và cần sự vào cuộc đồng bộ để giải quyết, xử lý. Hệ quả là 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia đã xảy ra trên cả nước trong năm qua, làm chết 214 người và 268 nạn nhân bị thương.
“Với mức trên 0,4 mg/l khí thở, tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông. Khi đó, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là rất cao”, thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT phân tích.
Ông cho biết việc vi phạm nồng độ cồn còn kéo theo nhiều vi phạm khác cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: Chạy quá tốc độ, đi không đúng làn đường, tránh vượt sai quy định…
Việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi sau khi sử dụng rượu, bia cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tài xế cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. CSGT thường mất nhiều thời gian mới xử lý các trường hợp này.
Một tài xế vi phạm nồng độ cồn chống đối cảnh sát. Ảnh: Hồng Quang. |
Trước ý kiến cho rằng Việt Nam đã có quy định mức xử phạt khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia vẫn chưa chuyển biến đáng kể, thượng tá Phạm Quang Huy nhận định đây là đánh giá đúng bởi người dân thường có thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hiếu hỉ, liên hoan… Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận tài xế còn chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm này diễn ra phổ biến.
“Một số người biết tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt cao nhưng vẫn cố tình vi phạm vì họ cho rằng vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái”, Phó cục trưởng Cục CSGT đánh giá.
Trước những hệ quả nghiêm trọng do những vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn, thời gian qua, nhiều chuyên gia, người dân đề xuất giải pháp theo hướng nâng cao mức phạt đối với loại vi phạm này như: Tăng số tiền phạt lên 75 triệu đồng (mức tối đa theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020), tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, lao động công ích, lắp camera giám sát từ nhà hàng hay thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Thượng tá Phạm Quang Huy đánh giá đây là những ý kiến đóng góp thể hiện sự tâm huyết đối với sự an toàn của người dân và xã hội. Cơ quan chức năng đã có ghi nhận và sẽ nghiên cứu trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, mức xử lý tăng tới đâu, áp dụng đối với những trường hợp ra sao thì cần phải nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, đảm bảo quyền công dân, tính nhân văn trong xây dựng pháp luật và tham khảo các kinh nghiệm quốc tế.
Trong khi đó, đề xuất lắp camera giám sát ngay từ nhà hàng được ông Huy đánh giá là chưa phù hợp bởi liên quan tới tính ổn định, một nhà hàng có thể chuyển đổi vị trí bất cứ lúc nào. Hơn nữa, camera khó có thể đảm bảo các chứng cứ pháp lý định lượng mức vi phạm nồng độ cồn như các máy đo chuyên dụng được áp dụng.
Cảnh sát tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang. |
Về giải pháp đưa ra, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “không xin xỏ, không can thiệp”, vị lãnh đạo Cục CSGT cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông bằng những nội dung phong phú, ứng dụng công nghệ, mạng xã hội để mỗi tài xế tự giác đã uống rượu bia thì không lái xe.
Đối với nhà hàng, quán nhậu, ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận cần có trách nhiệm với chính khách hàng của mình và cộng đồng bằng cách vận động, nhắc nhở không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia.
“Cũng giống như chúng ta xây dựng văn hóa đội mũ bảo hiểm, ai lái xe máy mà không đội mũ sẽ tự thấy lạc lõng”, ông Huy nói với Zing và đánh giá nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề là ý thức tài xế, việc CSGT ra quân dù quyết liệt tới đâu cũng chỉ mang tính xác suất, giải quyết được phần ngọn đồng thời tài xế sẽ có tư tưởng “đến hẹn lại lên”.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.