Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Cuba: Sức sống Latin ở xứ sở hoài niệm

Những chiếc xe cổ vẫn chạy trên khắp các ngả đường của Cuba, nơi người dân sống với mức lương 25 USD/tháng và mang trong mình sức sống mãnh liệt cùng niềm tin về tương lai.

CUBA: SỨC SỐNG LATIN Ở XỨ SỞ HOÀI NIỆM

Cuba năm 2017, người dân vẫn xếp hàng nhận lương thực tại các cửa hàng của Nhà nước, những chiếc ôtô vài chục năm tuổi chạy trên phố, nơi ranh giới giữa quá khứ và hiện tại dường như không còn.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 1

Cuba vốn được biết đến là đảo quốc có nền kinh tế kém phát triển do phải hứng chịu những hệ quả đau lòng của Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào tháng 7/2015, không ít người kỳ vọng vào sự thay đổi trong đời sống của người dân Cuba. 2 năm sau thời khắc lịch sử ấy, Cuba vẫn oằn mình là đất nước của hoài niệm.

Xứ sở hoài niệm

Chỉ cách bờ biển Florida của Mỹ hơn 100 km, Cuba là vùng đất nhuốm trọn vẹn màu sắc từ những năm 60 của thế kỷ trước. 

Thủ đô Havana của Cuba tràn ngập những chiếc xe cổ có tuổi đời gần một thế kỷ. Những Pontiac Starchier, Canadian Plymouth, Chevy Bel Air, Dodge, Ford... chạy bon bon trên những con đường đá, bên hàng loạt công trình hàng trăm tuổi đang dần mục nát, rêu phong.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 2

Trước năm 1959, khi Cuba còn gắn liền với Mỹ, những chiếc xe hơi tại đảo quốc này đều có nguồn gốc từ xứ cờ hoa. Cuba từng sở hữu 150.000 chiếc ôtô cổ.

Từ khi Cuba rơi vào thế cô lập, ôtô trở thành món đồ xa xỉ, bởi số tiền phải trả cho một chiếc xe mới quá đắt đỏ. Ôtô được truyền từ đời cha qua đời con và trở thành nhân chứng lịch sử của mọi gia đình. 

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 6

Nhiều người có điều kiện sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để mua động cơ từ Mỹ nhằm tân trang xe cổ. Hiện nay, khoảng 25% ôtô tại Cuba có xuất xứ từ thập niên 40, 25% khác đến từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Bước qua những tòa nhà cũ kỹ, ngẩng đầu lên nhìn những ô cửa sổ bụi bặm và nghe tiếng động cơ của những chiếc xe cổ len lỏi trong từng góc phố, người ta có thể bị đẩy ra rìa của thực tại, nơi quá khứ và hiện tại không còn khoảng cách.

Tinh thần Latin

“Quién es el último?” (Ai là người cuối cùng?) là câu nói quen thuộc của mọi người dân Cuba. Nó được dùng để hỏi người cuối cùng xếp hàng, trước khi có người tiếp theo nối hàng.

Xếp hàng trở thành nét văn hóa đặc trưng ở đảo quốc này. Chờ lấy thịt trong các cửa hàng mậu dịch của Nhà nước, chờ ngân hàng mở cửa, chờ ăn tối hay đơn thuần chỉ mua một que kem giữa trưa hè nóng bức, mọi người đều xếp hàng.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 7

Người dân Cuba vẫn sống theo chế độ bao cấp, dẫu chính phủ đang từng bước xóa bỏ điều này. Những quyển sổ mua lương thực được nhiều gia đình coi như vật báu và cất giấu kỹ lưỡng. 

Thế giới của Cuba được chia ra làm hai phần rõ rệt: dân bản xứ và khách du lịch. Vài năm trước, "hai thế giới" này còn sử dụng hai loại tiền tệ riêng biệt là peso và CUC. 

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 10

Khách du lịch ở trong những khách sạn sang trọng nằm giữa trái tim của các đô thị hàng trăm năm tuổi. Ngay bên ngoài, hàng triệu người dân Cuba vẫn sống trong những ngôi nhà xuống cấp, thậm chí có thể sụp đổ bất cứ khi nào.

Vượt lên tất cả là tinh thần của người Cuba và tình yêu nghệ thuật thấm đẫm chất Latin. Những chiếc xe cổ, dù cũ kỹ, hỏng gương, thậm chí sắp rụng cửa, không bao giờ thiếu âm nhạc.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 11

Khắp các con phố ở Havana, tiếng đàn lúc trầm lắng, lúc rộn ràng. Chiều tà, hàng trăm người tụ tập tại con đường đê ven biển ở Havana mang tên Malecón để cùng ca hát và nhảy múa.

Đất nước và con người Cuba luôn lạc quan, yêu đời, say mê những giá trị nghệ thuật và ôm ấp sức sống mãnh liệt.

Thay da đổi thịt

Như một kho báu nằm giữa Caribe, Cuba đang dần trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các điểm phát Wi-Fi công cộng được coi là cuộc cách mạng đối với người dân quốc đảo này. Với 1,5 USD, người dân có thể mua thẻ truy cập Wi-Fi của công ty Etecsa và sử dụng trong vòng 1 giờ. Đó vẫn là cái giá quá cao ở nơi có mức thu nhập trung bình hàng tháng 25 USD.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 12

Khách du lịch từ Bắc Mỹ và châu Âu đổ về Cuba ngày một nhiều. Những khu phố cổ ở Havana, Trinidad hay bãi biển đầy gió ở Varadero quanh năm tấp nập du khách. Điều này khiến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba. Nhiều người thường nói đùa rằng một người làm nhà hàng, khách sạn có thể nuôi được cả gia đình.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 15

Bắt nhịp làn sóng này, hàng loạt dự án bất động sản đang được triển khai. Tháng 5 vừa qua, tập đoàn danh tiếng Kempinski của Thụy Sĩ đã khai trương khách sạn trên 5 sao đầu tiên ở Cuba mang tên Gran Hotel Manzana Kempinski La Habana.

Bên cạnh Kempinski, các tập đoàn Accor (Pháp), Iberostar (Tây Ban Nha), Marriott (Mỹ) cũng đang đầu tư vào khách sạn tại Havana. Chính phủ Cuba đang hy vọng du lịch sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế vừa chịu mức tăng trưởng âm 0,6% hồi năm 2016 và đặt mục tiêu sẽ có 10 triệu lượt khách du lịch đến đây vào năm 2030.

Cuba: Suc song Latin o xu so hoai niem anh 16

Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Cuba

Ông Obama vừa tới Havana trong chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Mỹ sau 88 năm. Ông đến thăm Đại sứ quán Mỹ mới mở cửa và sẽ hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Obama chào từ biệt: Khi những giấc mơ còn dang dở

Sáng nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama có lời chào từ biệt ở Chicago. Ông để lại những di sản còn dang dở và có thể sớm bị chính quyền mới của Donald Trump phá bỏ.

Minh Thành (Từ Cuba)

Bạn có thể quan tâm