Với ai thuộc thế hệ 8X, đầu 9X chắc vẫn sẽ còn nhớ tới những cửa hàng cho thuê truyện từng nở rộ như một cơn sốt hơn 10 năm trở về trước. Ngày đó, sở hữu một cuốn sách không phải là một việc dễ dàng. Các cô cậu học trò ít có điều kiện được cha mẹ cho tiền mua sách nên phải tích cóp tiền ăn sáng cả tuần mới mua được một cuốn Đô-rê-mon hay Bảy viên ngọc rồng. Muốn có truyện đọc đa phần đám nhóc phải tìm cách mượn lại bạn bè hoặc thuê từ các tiệm sách.
Chính vì sự thiếu hụt nguồn cung nên nghề cho thuê truyện lúc bấy giờ nhanh chóng nở rộ và được xem là một trong những dịch vụ phát triển mạnh thu hút số lượng lớn các bạn trẻ tìm đến.
Hình ảnh những cửa hàng cho thuê sách truyện của hơn 10 năm về trước. |
Một cửa hàng cho thuê truyện có mức đầu tư ban đầu không quá lớn, chỉ cần sở hữu một mặt tiền khoảng vài mét vuông cùng vài chục cho tới một trăm bộ truyện là đã có thể cho thuê. Đầu sách tại các cửa hàng này khá đa dạng, từ truyện tranh tới chuyện kiếm hiệp hay còn quen thuộc với tên gọi "truyện chưởng", truyện tình cảm học trò, truyện trinh thám, tiểu thuyết Sydney Sheldon... Thậm chí, nhiều nơi còn cho thuê cả báo và tạp chí nước ngoài.
Giá mỗi lần thuê trung bình chỉ 500 đồng/cuốn cho truyện tranh và 1.000 đồng cho sách báo, tạp chí. Người thuê phải đặt cọc ngang với giá bìa và tính tiền thuê theo ngày. Với những bộ truyện đang hot lúc bấy giờ như Nữ hoàng Ai Cập, Thám tử lừng danh Conan hay Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng... muốn xem được liên tiếp các tập đôi khi bạn phải xếp hàng chời đợi và nhanh tay thì mới có thể thuê được.
Ngày tháng thuê được ghi ngay trên bìa sách là một đặc trưng dễ thấy ở những cửa hàng cho thuê sách truyện. |
Ở Hà Nội ngày đó có thể dễ dàng tìm thấy được một hàng thuê truyện ở bất cứ khu dân cư nào nhưng nhiều nhất có lẽ là ở gần các trường học như khu Kim Liên, Khương Thượng, dốc Hàng Than, Tràng Thi, Tuệ Tĩnh... Hình ảnh hết giờ tan học đám học sinh tụm năm tụm ba rủ nhau vào thuê truyện đã trở thành quen thuộc trong ký ức các bạn trẻ 8X - 9X. Thậm chí, vào những ngày ra tập mới của những bộ truyện được yêu thích, các khách hàng nhí còn phải xếp hàng với hi vọng mong manh đến lượt được cầm trên tay cuốn truyện mới mà "ngấu nghiến" cho bằng hết từ đầu tới cuối.
“Hồi đó, thứ sáu hàng tuần luôn là ngày mình chờ đợi nhất vì có nhiều truyện mới ra, giá thuê truyện mới tuy đắt hơn và còn phải đến thật sớm mới có nhưng vẫn rất muốn xem trước. Về sau này, khi điều kiện kinh tế dư giả mình bắt đầu mua sách và đọc online nhiều hơn, nhưng mỗi khi nhớ lại, ngày đó lại là những kỷ niệm khó quên của thời học sinh", chị Quyên Nguyễn (32 tuổi) chia sẻ. Đam mê đọc truyện tranh từ khi mới học tiểu học nhưng tới giờ khi đã đi làm chị vẫn giữ thú vui đọc truyện mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
Cũng giống như chị Quyên, với các bạn trẻ ngày nay việc đi thuê truyện về xem không còn là một niềm vui như thế hệ trước. Thay vì phải mất công ra hàng thuê rồi đặt cọc, chỉ cần một cú click chuột đã có thể tải ebook hay những trang truyện trực tuyến mới nhất mà chẳng lo mất phần đọc nếu chậm chân. Hàng cho thuê truyện cũng vì thế mà ế ẩm rồi vắng bóng dần trên từng con phố...
Dạo qua một hàng thuê truyện hiếm hoi còn lại trên phố Tô Hiệu, Cầu Giấy, người viết gặp bác Hương năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn bám trụ với tiệm sách nhỏ. Bác chia sẻ: "Ngày trước vợ chồng tôi mở cửa hiệu thuê truyện để kiếm thêm thu nhập bên cạnh đồng lương công chức, thấm thoắt cũng đã gần hai chục năm. Tuổi già về hưu nên niềm vui hàng ngày của tôi là được chăm chút cho những giá sách đã gắn bó suốt bao năm nay”.
Nhớ lại những ngày đầu mở cửa hàng bác kể: “Lúc mới mở thì đông lắm, có hôm khách đến thuê phải xếp hàng còn bây giờ mỗi ngày chỉ lác đác vài ba người đến thuê. Phần cũng vì truyện mới giờ đăng tải tràn lan trên mạng. Bọn trẻ bây giờ cũng có nhiều thu vui khác nên cũng chẳng còn thiết tha với sách truyện”.
Sự biến mất của các cửa hàng thuê truyện là hiện tượng tất yếu trong xu thế phát triển khi những thú vui của giới trẻ dần được thay đổi. Nhưng đó cũng là điều tiếc nuối cho một nét văn hóa đọc thú vị chỉ còn tồn tại trong lời kể của những bậc phụ huynh cho con em sau này.