Theo ghi nhận của Zing.vn chiều tối 26/10, tại cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai đã tạm thời đóng cửa. Mọi hoạt động giao dịch đều không diễn ra, toàn bộ nhân viên được cho nghỉ làm sớm.
Trước đó vào buổi trưa, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Cảnh sát kinh tế đã tiến hành kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng trên. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Cửa hàng lụa Khaisilk tại số 113 Hàng Gai. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thực tế từ chiều tối nay, không chỉ cửa hàng tại số 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) đóng cửa mà một số cửa hàng khác của thương hiệu này cũng đã tạm thời đóng cửa ngừng giao dịch. Cửa hàng Khaisilk tại 26 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) đóng cửa từ đầu giờ chiều 26/10.
Tại TP.HCM, một số cửa hàng tại khách sạn lớn cũng trong tình trạng đóng cửa.
Trước đó, cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai bị khách hàng tố bán hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng lại in nhãn mác “Khaisilk made in Vietnam”.
Cơ quan chức năng đã thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 30 triệu đồng tại cửa hàng số 113 Hàng Gai. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh, việc ông Hoàng Khải thừa nhận nhập hàng Trung Quốc để bán với thương hiệu và xuất xứ từ Việt Nam có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nhất định.
Đầu tiên có thể kể đến vi phạm Luật sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký nhẫn hiệu bảo hộ một sản phẩm nào đó, doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nếu trong thời gian vừa qua, khách hàng mua phải sản phẩm của Trung Quốc là họ đã bị lừa dối. Như vậy doanh nghiệp vi phạm điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, chủ thương hiệu này chỉ thừa nhận khi có người tiêu dùng phát hiện ra, đó là hành vi che giấu, vi phạm điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Với thời gian rất dài, số lượng rất lớn, nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, doanh nghiệp này có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, số lượng vi phạm trên 30 triệu đồng thì có căn cứ khỏi tố hình sự.