Hơn 10 năm kinh doanh di động, chị Mỹ Huyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng chồng quyết định rời bỏ lĩnh vực này dù còn nhiều duyên nợ. Cửa hàng nhỏ trên một con phố lớn của thủ đô đóng cửa từ cuối 2015. Đây là địa chỉ quen thuộc với dân chơi mobile đầu những năm 2000 khi các dòng Palm, O2 xuất hiện tại Việt Nam. Sức ép từ các hệ thống lớn mở đối diện, lượng khách giảm khiến doanh thu cửa hàng không đủ trả tiền thuê mặt bằng.
Theo báo cáo của GfK, năm 2015 chứng kiến khoảng 3.000 cửa hàng di động nhỏ lẻ phải đóng cửa trước sự bành trướng của các ông lớn. Một báo cáo vào năm 2014 khẳng định, Việt Nam có khoảng 14.000-15.000 điểm kinh doanh tư nhân. Như vậy, hiện có khoảng hơn 10.000 cửa hàng di động nhỏ cạnh tranh với các đại gia bán lẻ, trong một cuộc chiến được xem là không cân sức, khi thị phần của các ông lớn tăng nhanh.
Khảo sát của Zing.vn với nhiều đơn vị kinh doanh cho thấy, sức ép mạnh mẽ từ các ông lớn di động đang tác động không nhỏ tới việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên, những địa chỉ này vẫn tin thị trường còn chỗ cho cửa hàng nhỏ lẻ.
Các cửa hàng nhỏ cho biết, họ không chọn đối đầu mà sẽ tìm cách thích nghi với sân chơi di động - nơi các ông lớn đang chiếm lĩnh. Ảnh: Thành Duy. |
“Nếu biết cách phục vụ nhóm khách hàng trung thành và đánh vào các thị trường ngách, cửa hàng nhỏ vẫn có thể sống tốt bởi tại Việt Nam, có những nhóm sản phẩm, thị trường các ông lớn chưa thể chạm tới”, anh Trung Trí - chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Xã Đàn (Hà Nội) cho biết.
Thị trường ngách anh này nói đến chính là những sản phẩm di động chính hãng, nhưng đến từ các tên tuổi ít danh tiếng như Massgo, Mobiistar, Gionee, Wiko hay Mobell. Ngoài ra, vẫn còn một lượng rất lớn các mẫu di động xách tay, di động qua sử dụng đến tay khách hàng mỗi ngày được bán ra từ các cửa hàng nhỏ lẻ.
Nhóm sản phẩm phụ kiện cũng là sân chơi các ông lớn bán lẻ chưa chiếm được ưu thế. Những đơn vị này chủ yếu kinh doanh một số mẫu ốp lưng, sạc dự phòng, tai nghe nhưng chủng loại chưa phong phú. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cho biết, họ sống chủ yếu nhờ phụ kiện với hàng loạt phụ kiện chụp ảnh, pin thay thế, bao da, bàn phím, loa Bluetooth…
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Tuấn - đại diện một cửa hàng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, việc gây dựng uy tín, tạo ra một nhóm khách hàng trung thành là yếu tố tiên quyết để đứng vững trước áp lực từ các hệ thống bán lẻ lớn.
Theo anh này, bản thân các cửa hàng nhỏ lẻ không xác định cạnh tranh với ông lớn, mà tìm cách sống chung. Họ tìm đến nhóm khách hàng riêng - những người coi giá bán là ưu tiên hàng đầu. “Khi nào cửa hàng nhỏ vẫn chiếm ưu thế về giá bán, chúng tôi vẫn có đất sống trên thị trường”, anh Tuấn khẳng định.
Một số đại diện cửa hàng nhận định, sự bành trướng của các hệ thống bán lẻ lớn tạo ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Đây giống như một đợt thanh lọc thị trường. Ở đó, những đơn vị nào làm việc uy tín, có định hướng và tư duy rõ ràng sẽ trụ lại, loại bỏ những người làm ăn manh mún, thiếu chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, với việc thị trường di động phát triển mạnh, các cửa hàng nhỏ này cũng có cơ hội phục vụ nhiều khách hàng hơn - những người tìm kiếm các món phụ kiện mà những hệ thống lớn còn thiếu.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Tùng - một đầu mối phân phối sản phẩm di động và phụ kiện tại Việt Nam - đồng quan điểm cửa hàng nhỏ lẻ vẫn tồn tại được, nhưng sẽ đi loanh quanh ở thị trường ngách, khó mơ doanh thu và lợi nhuận cao.
Theo ông Tùng, các kênh bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng ưu thế bán hàng online để rút ngắn khoảng cách với hệ thống lớn. “Mức độ nhận diện thương hiệu của các hệ thống lớn là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, với thời đại truyền thông mạng xã hội phổ biến như hiện nay, cửa hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng. Vấn đề nằm ở chỗ họ cần có đủ kiến thức để làm”, ông này gợi ý.
Về mặt tổng quan, 2016 được xem là năm “bình định thị trường” của các hệ thống bán lẻ di động lớn, khi lần lượt những Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A hay Vin Pro công bố mở thêm hàng trăm điểm bán mới.
Theo chị Mỹ Huyền, phần lớn các cửa hàng di động nhỏ lẻ thời kỳ đầu đã rời bỏ cuộc chơi. "Cũng giống như tiệm tạp hoá nhường chỗ cho siêu thị mini, kinh doanh di động hiện không còn dễ dàng như trước". Một nhóm các địa chỉ nhỏ năng động hơn vẫn tồn tại. Tuy nhiên, miếng bánh lớn nhất chỉ dành cho các tên tuổi có tham vọng, bán hàng có hệ thống và phục vụ lớp khách hàng mới tốt hơn.