Anh Nguyễn Lạc Huy - đại diện một hệ thống di động với gần 20 cửa hàng tại Hà Nội, TP HCM cho biết 4 năm trước, tỷ lệ di động xách tay/chính hãng tại hệ thống này là 80/20. Đến cuối năm 2015, mối tương quan đó đã đảo ngược thành 20/80. Dự kiến trong năm 2016, thị phần smartphone xách tay tại hệ thống này chỉ còn 15%.
Thống kê này phần nào chỉ ra sự đi xuống của smartphone xách tay trong ít năm qua. "Việc thu hẹp kinh doanh smartphone xách tay hay không phụ thuộc vào chiến lược của mỗi hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, có một thực tế là thị phần di động xách tay ngày một teo tóp trên thị trường", anh Huy chia sẻ.
Di động xách tay hiện không còn được thị trường ưa chuộng như cách đây một vài năm. Ảnh: Thành Duy. |
Có nhiều nguyên nhân cho sự dịch chuyển này trên thị trường di động Việt Nam. Nguồn hàng không ổn định, rủi ro cao về pháp lý và khó khăn trong việc bảo hành là những nguyên nhân chính khiến smartphone xách tay ngày một lép vế so với hàng chính hãng.
“Máy chính hãng có nguồn hàng ổn định, việc bảo hành do hãng (hoặc đơn vị uỷ nhiệm của hãng) đảm nhiệm nên phía cửa hàng gần như không phải lo về vấn đề này. Với máy xách tay, việc bảo hành máy với số lượng lớn là vấn đề cực kỳ nan giải”, đại diện một cửa hàng di động xách tay tại Xã Đàn (Hà Nội) cho hay.
Bên cạnh đó, có thể thấy trong vài năm qua, thị trường di động chính hãng tại Việt Nam đã phát triển với tốc độ phi mã. Các hệ thống lớn liên tục mở rộng kinh doanh. Thế Giới Di Động cho biết, họ có thể cán mốc 1.000 siêu thị trong khi FPT Shop dự kiến mở 100 siêu thị mới trong năm nay. Kết hợp với việc thu nhập của người dùng tăng qua các năm, nhận thức về sản phẩm tốt hơn, việc họ lựa chọn sản phẩm chính hãng với dịch vụ tốt, chế độ bảo hành tin cậy là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể đến việc thời gian gần đây, một số hãng sản xuất khá mạnh tay trong việc dẹp bỏ hàng xách tay. Hãng sẵn sàng hỗ trợ cửa hàng bằng mức chiết khấu cao và một số ưu đãi khác để cửa hàng nói không với máy xách tay. Một số hãng như Sony thậm chí không hợp tác với đại lý nếu các đơn vị này bán hàng xách tay.
Một nguyên nhân khác là việc giá bán của máy chính hãng ngày càng có xu hướng gần sát hơn với hàng xách tay. Ngoại trừ các mẫu máy khoá mạng hay máy qua sử dụng, mức chênh giữa các mẫu máy cao cấp chính hãng và hàng xách tay bản quốc tế chỉ ở mức 1-3 triệu đồng.
Các hãng sản xuất di động thể hiện quyết tâm cao trong việc đánh bay hàng xách tay khỏi thị trường. Ảnh: Thành Duy. |
Trên thực tế, nhiều cửa hàng di động tại Việt Nam đã tính đến cuộc sống không có hàng xách tay, bao gồm cả việc kinh doanh di động chính hãng. Tuy nhiên, việc chuyển từ kinh doanh máy xách tay sang chính hãng gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều hệ thống đã thử và thất bại vì nhiều rào cản. “Di động chính hãng có mức lãi thấp, lại yêu cầu vốn dày nên nhiều cửa hàng không đủ sức”, anh Trí - người từng kinh doanh di động xách tay nhiều năm tại Hà Nội chia sẻ.
“Nếu không có mức vốn khoảng 7 tỷ mỗi năm, đừng nghĩ đến chuyện kinh doanh smartphone chính hãng”, đại diện một hệ thống kinh doanh nhận định. Anh này cho biết, nhiều hệ thống di động chính hãng lớn hiện có tỷ lệ lãi chỉ 5%, ngang với gửi tiền ngân hàng.
“Không thương hiệu, không vốn, cam kết với hãng sản xuất quá nhiều, các cửa hàng nhỏ khó có thể theo nổi nếu muốn kinh doanh sản phẩm chính hãng”, người này cho biết thêm.
Tuy nhiên, những người có hiểu biết với thị trường di động trong nước đều khẳng định di động xách tay sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn tại Việt Nam. iPhone xách tay vẫn là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường, ít nhất là cho đến khi Apple quan tâm hơn đến thị trường và đưa Việt Nam vào nhóm những nước sớm nhận sản phẩm.
Như đã nói ở trên, một số mẫu di động khoá mạng từ Mỹ, Nhật cũng có sức sống tốt nhờ mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với hàng chính hãng. Cùng với đó, kinh doanh các mẫu di động không bán chính hãng tại Việt Nam, chẳng hạn điện thoại nội địa Trung Quốc, cũng là một hướng đi được các cửa hàng xách tay nhắm tới.