Lỗi sai trong sách giáo khoa mới tiếp tục là vấn đề được cử tri quận 8, TP.HCM nêu ra tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 10 sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, vào chiều 24/11.
"Không hiểu sao giáo sư, tiến sĩ Việt Nam rất nhiều mà lại để sai như vậy? Phải hỏi truy đến cùng chứ không thể coi con em chúng tôi là thí nghiệm được", cử tri Lê Văn Quảng (phường 7) bày tỏ lo lắng trước thực trạng sách giáo khoa lớp 1 có nhiều lỗi.
Tiếp thu ý kiến, đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết giáo dục Việt Nam đang có nhiều thay đổi, trong đó có sách giáo khoa. Nếu trước kia, sách giáo khoa giống như "pháp lệnh" thì giờ đây, chương trình là "pháp lệnh", còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập.
Ông Bình cho biết sự thay đổi lần này dựa trên tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Trong quá trình thực hiện, chương trình lớp 1 được tiến hành đầu tiên với 5 bộ sách, trong đó có bộ sách Cánh Diều.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thu Hằng. |
Đại biểu Phan Thanh Bình thừa nhận bộ sách Cánh Diều có một số điểm chưa hay như sử dụng phương ngữ, hay những câu chuyện ngụ ngôn phức tạp thay vì ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng những điểm này chỉ có trong sách Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều và chỉ một vài điểm chưa hay chứ không phải toàn bộ sách đều sai.
Theo ông Bình, trong 5 bộ sách, bộ Cánh Diều được khoảng 20% cơ sở giáo dục lựa chọn để dạy cho học sinh.
Về chất lượng của sách Tiếng Việt trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều, vị đại biểu cho biết luật quy định rõ mỗi bộ sách đều phải qua Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
"Chúng tôi đã làm việc với bộ trưởng về sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều và yêu cầu bộ trưởng chỉnh sửa những điểm chưa hay", ông Bình thông tin với cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định trong giai đoạn thay đổi này, ngay cả thầy cô cũng đang phải thay đổi cách dạy. Nếu trước kia, giáo viên chỉ làm theo bài mẫu trong sách giáo khoa thì bây giờ, họ phải dạy bằng kiến thức, năng lực. Đại biểu Bình cho rằng trong quá trình triển khai sẽ có những điều chưa hay cần phải sửa và nhấn mạnh rằng thay đổi là một quá trình.
Cuối bài phát biểu, ông Bình gửi lời cảm ơn đến cử tri vì sự ủng hộ suốt nhiệm kỳ vừa qua và khẳng định những góp ý của cử tri đã được ghi nhận để gửi đến cơ quan có thẩm quyền.