Người Mỹ gốc châu Á là nhóm dân số gia tăng nhanh nhất ở Mỹ, hiện có hơn 20 triệu người. Cử tri gốc Á chiếm 4% tổng số cử tri.
Trong một khảo sát trên hơn 1.500 người Mỹ gốc Á, hơn một nửa cho biết sẽ bầu cho ông Biden, gần 1/3 sẽ bầu cho ông Trump. 15% còn lại đang do dự.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện bởi các nhóm hoạt động hay nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, như APIAVote, AAPI Data và Asian Americans Advancing Justice.
Trước đây, người gốc Á từng có tỷ lệ ủng hộ đa số không phải dành cho đảng Dân chủ, mà là cho đảng Cộng hòa.
Năm 1992, 6 trên 10 người Mỹ gốc Á bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Hai thập kỷ sau, 7 trong số 10 người gốc Á bầu cho ứng viên Dân chủ. Đây là sự dịch chuyển lớn nhất về phiếu bầu trong số các sắc dân ở Mỹ.
Sự dịch chuyển về cánh tả này là do đảng Cộng hòa ngày càng chống nhập cư, và đề cao trường phái bảo thủ Cơ Đốc giáo, theo người sáng lập AAPI Data, Karthick Ramakrishnan.
Cùng thời gian đó, trong những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton cũng tạo cho đảng Dân chủ hình ảnh là một đảng ủng hộ kinh doanh, thu hút thêm sự ủng hộ của các doanh nhân người Mỹ gốc Á.
Đại dịch Covid-19 khiến người Mỹ gốc Á chú ý nhiều hơn tới y tế và việc làm. Đồng thời, phong trào biểu tình sau cái chết của George Floyd cũng khơi lại trong cộng đồng người Mỹ gốc Á những nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc.
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, y tế, dịch Covid-19, và kinh tế cũng là những vấn đề quan trọng với các nhóm dân tộc khác như người Mỹ Latin và người da đen. Ngược lại, cử tri da trắng có tỷ lệ coi trọng các vấn đề này thấp hơn.
Nhưng riêng về kinh tế, cử tri Mỹ Latin và cử tri da đen tin tưởng ông Biden hơn, còn cử tri gốc Á lại tin tưởng đảng Cộng hòa hơn.
Tuy đa số người Mỹ gốc Á ủng hộ ông Biden, sự ủng hộ này khác nhau trong các nhóm người nhỏ hơn. Chẳng hạn, 2/3 số người Mỹ gốc Ấn Độ có thể sẽ bầu cho ông Biden. Ngược lại, chỉ hơn 1/3 số người Mỹ gốc Việt chọn ông Biden.
Đối với người gốc Việt, khu vực họ có thể có tác động nhất là Quận Cam ở bang California, nơi họ chiếm 7% dân số.
Năm 2004, các khu vực bầu cử mà người gốc Việt chiếm ít nhất 1/5 đều ngả về ứng viên Cộng hòa. Nhưng năm 2016, chính các khu vực này đều chuyển sang Dân chủ.
Sự dịch chuyển này góp phần chuyển Quận Cam, vốn có truyền thống đỏ (theo Cộng hòa), sang xanh (theo Dân chủ). Năm 2016, Quận Cam bầu cho bà Hillary Clinton lần đầu tiên kể từ năm 1936.
Khác với người gốc Việt, Người Mỹ gốc Ấn Độ lại luôn ngả về cánh tả. Dân số người gốc Ấn Độ tăng gần 150% giữa các năm 2000-2018. Nhiều cử tri người Mỹ gốc Ấn Độ sống ở các bang chiến trường mà năm nay sẽ rất sát nút như Texas, Michigan và Pennsylvania.
Sự ủng hộ của người gốc Ấn cho đảng Cộng hòa khiến hạt Fort Bend, bang Texas, vốn theo Cộng hòa, chuyển sang xanh. Tại hạt Fort Bend, người Mỹ gốc Á chiếm 20% dân số, và nhóm gốc Á lớn nhất là người gốc Ấn Độ và gốc Hoa.
Từ năm 2012 sang năm 2016, các khu vực mà người gốc Á chiếm ít nhất 1/5 dân số đều chuyển từ bầu Cộng hòa sang bầu Dân chủ. Năm 2016, bà Clinton thắng hạt Fort Bend.
Người gốc Á đang nhiệt tình đi bầu hơn. 54% cử tri gốc Á nói họ cảm thấy phấn khích hơn về cuộc bầu cử này. Trước đó, trong các kỳ bầu cử 2016 và 208, tỷ lệ người gốc Á đi bầu cũng đã tăng.
Tỷ lệ đi bầu cao có thể tác động lớn đến những bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania, Florida và Wisconsin, nơi mà chỉ một mức tăng nhỏ số người đi bầu cũng có thể quyết định thắng thua.