3 ngày sau vụ tài xế xích lô lấy tiền của cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi, quốc tịch Nhật Bản), Công an quận 1 đã xác định danh tính người này là Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ quận 4) và ra quyết định tạm giữ hình sự để điều tra.
Sau sự việc, tài xế Dũng đã gửi thư tay xin lỗi đến ông Oki. Dù viết chữ không rành, trong thư, ông Dũng bày tỏ sự hối hận và mong được tha thứ vì hành động của mình.
Muốn tài xế có cơ hội làm lại cuộc đời
Theo chị Lê Thục Anh (40 tuổi, con dâu cụ Oki), ngày 6/8, gia đình đã có mặt tại cơ quan Công an quận 1 để làm việc và nghe kể lại lời khai của tài xế Dũng. Tại đây, gia đình cũng liên hệ để đại diện cơ quan công an trực tiếp trao đổi với cụ Oki qua điện thoại.
Lắng nghe tường thuật của công an, cụ Oki reo lên mừng rỡ. Khi được hỏi về mong muốn được bồi thường hoặc kiện tài xế Dũng, cụ chỉ lắc đầu.
Mất số tiền, cụ đã xác định đó là lỗi của mình. Cụ chỉ mong tài xế nhìn nhận lại sự việc và không tái diễn hành động trên.
"Ba tôi không mong tài xế bị xử lý hình sự. Ông muốn anh ấy có cơ hội làm lại cuộc đời", con dâu cụ Oki chia sẻ với Zing.vn.
Cụ Oki cùng gia đình trong một chuyến đi chơi tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Cụ Oki thường qua Việt Nam mỗi năm một lần để thăm con trai - một nhiếp ảnh gia kiến trúc đã sinh sống và làm việc tại đây 10 năm nay. Cụ rất yêu quý TP.HCM và luôn cố gắng sắp xếp công việc từ thiện ở Nhật để có thể thường xuyên qua Việt Nam.
Dù đã 83 tuổi, cụ thường tự đi chơi, một mình khám phá "Hòn ngọc Viễn Đông", không cần con cháu dẫn đi. Trong mắt cụ Oki, Việt Nam là một thành phố thân thiện và an toàn. Do đó, sự việc hôm 3/8 đã khiến ông cảm thấy mất niềm tin và rất buồn.
“Ba tôi không hề ghét Việt Nam sau sự cố này. Chỉ là ông thấy buồn vì mất niềm tin thôi. Mấy ngày đầu ông buồn tới mức không nói gì”, con dâu cụ kể.
"Chồng tôi cũng hơi giận nên có nhắc cụ sao lại mang nhiều tiền ra đường như vậy, khiến ông càng tự trách mình. Sau đó, gia đình tôi không nhắc lại vụ việc này nữa", chị Thục Anh nói thêm.
"Do lái xích lô ế quá nên buộc phải chém thôi"
Tường trình tại cơ quan công an về lý do lấy tiền của ông Oki Toshiyuki hôm 6/8, ông Phạm Văn Dũng, tài xế xích lô, kể rằng "do lái xích lô ế quá nên buộc phải chém thôi”.
“Ông Dũng kể mỗi cuốc xích lô ở khu trung tâm, ông ấy lấy 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là bình thường, coi như khách cho. Có người cũng bức xúc nhưng thường bỏ qua. Chạy xe có ngày được ngày không nên họ tranh thủ. Hôm đó, do thấy cụ hiền quá nên anh ta mới lấy tiền của cụ”, chị Thục Anh tường thuật lại lời khai của tài xế Dũng.
Lá thư xin lỗi nguệch ngoạc của tài xế xích lô Phạm Văn Dũng gửi tới du khách Oki. Ảnh: Thu Hằng. |
Tiếp nhận lá thư với nét chữ nguệch ngoạc của tài xế xích lô, chị Thục Anh rất ngạc nhiên. Khi nghe đại diện Sở Du lịch giải thích rằng tài xế này không viết chữ rành nên phải mất nhiều thời gian, viết đi viết lại nhiều lần mới xong bức thư, con dâu cụ Oki bày tỏ sự vui mừng và xúc động.
"Tôi thấy rất vui vì những dòng chữ này thể hiện sự ăn năn của ông ấy. Đó cũng là điều gia đình tôi mong muốn. Có thể ông ấy chỉ cho rằng đó là hành động nhỏ của cá nhân mà không nghĩ đến ảnh hưởng của nó đến cộng đồng", chị Thục Anh chia sẻ.
Ngay sau đó, chị đã chụp ảnh lá thư và gửi đến cụ Oki; đồng thời, phiên dịch lại những tâm sự mà tài xế Dũng gửi đến cụ.
"Cụ nói không hiểu gì hết. Nhưng nhìn nét chữ cụ biết rằng ông ấy đã rất cố gắng viết, và chắc là mất khá nhiều thời gian. Cụ chấp nhận lời xin lỗi và mong anh luôn mạnh khoẻ, sống tốt và có ích cho xã hội", người phụ nữ 40 tuổi thuật lại lời của ông Oki sau khi nhận được lá thư.
"Công an vào cuộc quá nhanh, quá xuất sắc"
Chỉ 3 ngày sau khi xảy ra vụ việc tài xế xích lô lấy 2,9 triệu đồng của du khách Nhật, công an phường Bến Nghé và công an quận 1 đã tìm ra tài xế. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng khiến gia đình ông Oki ngạc nhiên.
“Công an và báo chí vào cuộc quá nhanh, quá xuất sắc khiến chúng tôi thực sự bất ngờ. Từ một vụ việc dường như không có manh mối, cơ sở gì nhưng cơ quan công an có thể tìm ra tài xế. Sự quan tâm từ phía Sở Du lịch TP cũng khiến gia đình rất cảm kích”, chị Thục Anh chia sẻ.
Cụ Oki đánh bóng bàn tại một câu lạc bộ thể dục thể thao trên đường Nguyễn Du, TP.HCM. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Nói về lý do không trình báo công an ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình cho biết qua lời kể của ông cụ dường như không có manh mối gì để tìm ra người này. Tài xế khi đó không mặc đồng phục của công ty vận tải nào, cũng không có hình ảnh ghi lại. Thấy bằng chứng quá yếu, gia đình quyết định không trình báo công an.
“Chỉ nhờ ba tôi vô tình gặp một nhà báo khi đi đánh cầu lông mà vụ việc được giải quyết nhanh chóng đến vậy, cả gia đình đều vui mừng”, chị Thục Anh tâm sự.
Về 2,9 triệu đồng mà tài xế Dũng đã lấy, gia đình cho biết hiện vẫn chưa nhận lại và cụ Oki cũng không có nhu cầu đòi lại khoản tiền trên.
Chia sẻ về việc trả lại tiền cho ông Oki, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thông tin: "Hiện Thanh tra Sở đang làm việc với Công an quận 1 để tiếp tục xử lý nên chưa thể kết luận có thể trả lại tiền cho du khách Nhật này hay không".
Chiều 3/8, ông Oki Toshiyuki ra khỏi khách sạn Liberty Central Saigon Riverside và đi dạo gần đó. Ít phút sau, một xích lô đến gần mời ông đi xe bằng tiếng Anh bồi. Khi đến gần chợ Bến Thành, vị khách Nhật đồng ý để người này chở về khách sạn.
Theo ông Oki, sau 5 phút đi xích lô, ông đưa 500.000 đồng cho tài xế nhưng người này tỏ ý đòi thêm. Ông đồng ý nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì anh xích lô tự thò tay vào ví của khách, lấy 5 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng trong ví ông rồi bỏ đi.
Dù là nạn nhân, vị khách Nhật này vẫn cho rằng ông có lỗi vì không hỏi giá trước khi lên xe.