Người lao động theo dõi thông tin tuyển dụng tại một hội chợ việc làm diễn ra ở thị trấn Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ảnh: Xinhua |
Hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa danh tiếng lựa chọn rời khỏi Bắc Kinh để lập nghiệp. Xu hướng ấy cho thấy thủ đô của Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn đối với các thanh niên ưu tú, theo Beijing Morning Post.
10 năm trước, khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Bắc Kinh sẽ tìm việc và cố gắng để đăng ký hộ khẩu tại thủ đô. Đây là điều kiện bắt buộc để có thể hưởng lợi từ dịch vụ y tế, chế độ lương hưu, phúc lợi cho trẻ em và các cơ sở vật chất khác.
Ông Zhang Qiguang, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sự nghiệp Sinh viên của Đại học Thanh Hoa cho biết, từ năm 2013 đến năm 2014, hơn 50% sinh viên tốt nghiệp từ trường lựa chọn làm việc ở các tỉnh, thành phố khác thay vì ở lại Bắc Kinh.
Theo ông, sự thay đổi trong sở thích tìm việc của sinh viên và các chính sách kiểm soát dân số của thành phố là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên rời Bắc Kinh. Ngoài ra, những năm gần đây, giới trẻ cũng không còn đặt nặng vấn đề hộ khẩu thủ đô.
Hiện tại, dân số Bắc Kinh là 21.540.000 người. Chính quyền thành phố lên kế hoạch hạn chế số dân ở mức 21,8 triệu vào cuối năm 2015 và 23 triệu vào năm 2020.
Sinh viên rời thủ đô vì chi phí sinh hoạt cao và họ có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở nơi khác.
Wang Yan, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kiến trúc, quyết định sẽ làm việc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị ở tỉnh Tứ Xuyên.
“Tôi và chồng đều không phải là người Tứ Xuyên. Chúng tôi chọn nó vì tôi phù hợp với một công việc ở mức cơ bản và ở đây có nhiều cơ hội phát triển hơn”, cô nói.
Một sinh viên khác cho biết, nếu lựa chọn ở lại Bắc Kinh, họ cần có hộ khẩu ở thủ đô để giải quyết hàng loạt vấn đề như mua nhà, xe, cho con học tại các trường công lập.