Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện bà mẹ nuôi con tàn tật trở thành đại biểu quốc hội

Bằng lòng nhân từ và nỗ lực phi thường, một phụ nữ nông dân bình thường ở Trung Quốc nuôi, dạy hàng chục trẻ khuyết tật, tạo tương lai tốt hơn cho các em.

Cao Sổ Chân lập trường học tại gia, nuôi dạy trẻ em khuyết tật miễn phí. Ảnh: Womenofchina
Cao Sổ Chân lập trường học tại gia, nuôi dạy trẻ em khuyết tật miễn phí. Ảnh: Womenofchina

Với thân hình chắc khỏe, khẩu âm địa phương và nụ cười hiền lành, Cao Sổ Chân, 57 tuổi, giống như một phụ nữ nông thôn bình thường ở miền bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, người phụ nữ bình thường ấy lại có thể làm nên những điều phi thường.

Cao Sổ Chân sống trong một làng nhỏ thuộc huyện Loan Nam, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Con trai bà mắc bệnh viêm khớp từ năm 4 tuổi. Sau khi điều trị trong nhiều năm nhưng không thành, bà chấp nhận rằng con trai sẽ sống phần đời còn lại trong tình trạng tàn tật, China Daily đưa tin.

Cậu bé rất muốn đi học. Tuy nhiên, các trường không nhận học sinh tàn tật. Bà Cao cảm thấy đau lòng trước niềm khao khát đến trường của con trai. Bà nhận ra nhiều đứa trẻ ở các làng lân cận cũng không thể tới trường vì khuyết tật.

“Dù khiếm khuyết về mặt thể chất, những đứa trẻ ấy vẫn thông minh như trẻ khác. Nếu đi học, chúng sẽ có thêm cơ hội để làm chủ tương lai bản thân và giảm bớt gánh nặng cho xã hội”, bà Cao nói.

5 đứa trẻ khuyết tật bắt đầu theo học “trường tại gia” miễn phí của Cao Sổ Chân vào năm 1998. Số lượng học sinh tăng dần theo thời gian. Vào giai đoạn cao điểm, hàng chục học sinh sống và học tập trong nhà bà.

Những trường học kỳ lạ trên hành tinh

Dân nghèo trong một làng ở Trung Quốc biến hang thành trường, trong khi một tổ chức từ thiện ở Bangladesh dạy kiến thức cho hàng nghìn trẻ em trên thuyền.

Việc nuôi, dạy nhiều trẻ em là gánh nặng đối với một gia đình nông dân bình thường. Trong hơn 10 năm, bà xoay xở để nuôi những đứa trẻ khuyết tật nhờ canh tác 1,3 ha đất và bán các mặt hàng nhỏ như tất, xà phòng.

“Mọi suy nghĩ của tôi đều tập trung vào việc kiếm tiền để hỗ trợ các em”, bà nói.

Gia đình bà phải chấp nhận nhiều thua thiệt. Vì thiếu giáo viên, con gái bà bỏ học để giúp mẹ dạy các em. Bà Cao hy vọng cô sẽ lấy một người đàn ông độ lượng, sẵn sàng hỗ trợ việc chăm sóc trẻ tàn tật.

Những người xung quanh nghĩ bà điên khi tự tìm rắc rối cho bản thân. Xã hội nông thôn kỳ thị người khuyết tật. Nhưng Cao Sổ Chân không bỏ cuộc. Bà nghĩ những đứa trẻ tàn tật sống cùng mái nhà sẽ hỗ trợ và động viên lẫn nhau.

Người phụ nữ 57 tuổi cảm thấy mọi hy sinh của bà đáng giá khi các học sinh yêu thương, đùm bọc nhau.

“Tôi từng dạy một đứa trẻ lùn. Cậu tự học nghề hàn. Hiện tại, cậu có thể kiếm vài chục tệ mỗi ngày bằng công việc hàn. Đây không phải là số tiền lớn nhưng đủ để thằng bé tự nuôi sống bản thân”, bà kể.

Năm 2013, bà Cao trở thành người đại diện cho người khuyết tật tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ảnh: Whatonjinan
Bà Cao trở thành người đại diện cho người khuyết tật tham dự kỳ họp Quốc hội trong năm 2013. Ảnh: Whatonjinan

Sau khi giới truyền thông công bố câu chuyện về Cao Sổ Chân, nhiều người xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của bà và quyên góp cho trường học tại gia. Một số sinh viên đại học đến trường để dạy các em.

“Thế giới vẫn còn nhiều người tốt. Tôi thường khuyên học sinh học tập chăm chỉ, trở thành người có ích để đền đáp tấm lòng của những người tốt bụng”, bà Cao nói.

Năm 2013, Cao Sổ Chân trở thành người đại diện cho trẻ em khuyết tật tham gia kỳ họp Quốc hội. Trong kỳ họp vào năm 2015, bà kêu gọi chính phủ xây thêm trường học (đặc biệt ở vùng nông thôn), cải thiện dịch vụ y tế, tạo thêm việc làm và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người tàn tật.

Nguyễn Ngọc

Bạn có thể quan tâm