Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú hích vốn cho nền kinh tế đến từ đâu?

Lãi suất VND tiếp tục giảm, lạm phát ở mức thấp, mức thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cũng giảm còn 22%... Bộ KH-ĐT, chuyên gia đề nghị phải tăng đầu tư để kích thích nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn ở đâu?

Cú hích vốn cho nền kinh tế đến từ đâu?

Lãi suất VND tiếp tục giảm, lạm phát ở mức thấp, mức thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cũng giảm còn 22%... Bộ KH-ĐT, chuyên gia đề nghị phải tăng đầu tư để kích thích nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn ở đâu?

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright - phân tích: Việc giảm lãi suất và giảm thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại tạo yếu tố tâm lý hơn là tác động thật sự trong cuộc sống. Những giải pháp này của Chính phủ sẽ giúp tình hình kinh tế không xấu thêm.

Một bộ phận DN mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư mới có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn mà trước đây họ không vay vì lãi suất cao. Nhưng một bộ phận lớn DN còn lại vẫn khó tiếp cận được vốn. Giảm một chút thuế, bơm một chút tiền chả nhằm nhò gì cả, DN lỗ rồi thì có giảm thuế cũng đâu có tác động.

 

Chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm ở mức thấp, nhiều chuyên gia đề nghị cần tăng đầu tư để kích thích nền kinh tế.

Tại Việt Nam, những DN yếu kém nhất là những DN có cơ cấu vốn nghiêng về nợ vay. Nhưng để giải quyết được thật sự vấn đề nợ xấu cũng như để các ngân hàng thương mại cho vay trở lại là không hề đơn giản. Việc hạ trần lãi suất VND và USD, trong khi lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trong ngắn hạn đã dưới mức trần, nên cũng khó giải quyết được tăng tín dụng.

- Như vậy, theo ông, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp? Vốn đưa ra thị trường vẫn bị tắc?

- Cần nhìn thẳng vào thực tế là các ngân hàng phải giảm được nợ xấu thì mới cho vay được. Vì nợ xấu cao nên ngân hàng phải giữ vốn để duy trì và đảm bảo thanh khoản. Ngay cả khi có tiền cho vay thì các ngân hàng sẽ chọn cách an toàn, đó là tập trung vào mua trái phiếu chính phủ hoặc chọn những DN tốt nhất để giải ngân. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, những DN tốt cũng không muốn vay, còn những DN yếu kém hoặc không thể vay hoặc không muốn vay mà chỉ muốn giảm nợ. Nên thời gian qua dù đã có bơm tiền lẫn tăng cung tiền cho nền kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Đây cũng là lý do vì sao đầu tư công được đề cập trở lại như một cách bù đắp lại cho đầu tư của xã hội và kích thích kinh tế.

- Nghĩa là tăng đầu tư sẽ góp phần chính để kích thích kinh tế trong thời gian tới?

- Các dự án đầu tư công đang rất nhiều, có vốn là triển khai được ngay. Nhưng tiền đâu để rót cho những dự án này khi nguồn thu ngân sách đang bị hụt? Mới đây Chính phủ lại miễn giảm thuế DN tức là nguồn ngân sách thời gian tới tiếp tục thiếu. Như vậy, nguồn vốn cho đầu tư công chỉ còn cách thông qua phát hành trái phiếu chính phủ bán cho các ngân hàng thương mại.

Như vậy, thay vì để vốn cho DN vay thì các ngân hàng thương mại phải đem vốn huy động của mình mua trái phiếu chính phủ. Tức là xuất hiện tình trạng chèn ép giữa tín dụng đầu tư công với tín dụng tư nhân.

- Vậy đâu mới là mấu chốt của vấn đề tăng trưởng kinh tế?

- Vẫn là câu chuyện giải quyết nợ xấu để tái cấu trúc nền kinh tế. Nợ xấu đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để dù đã có công ty mua bán nợ. Nền kinh tế đang phải nuôi một bộ phận có gánh nặng nợ rất cao mà không cắt bỏ được. Phải mạnh tay hơn trong việc cắt bỏ phần không hiệu quả. Rất nhiều DN muốn phá sản nhưng ngân hàng không cho phá sản vì cho dù có phát mãi toàn bộ tài sản của DN cũng không đủ trả nợ ngân hàng. Thà rằng món nợ 100 đồng nhưng ngân hàng phát mãi thu về 40 đồng còn hơn treo ở đó nhưng không có được 40 đồng. Phần thu lại có thể cho vay.

Để tạo một cú hích tích cực cho nền kinh tế thì Chính phủ cần có một nguồn tiền thực đáng kể để xử lý triệt để nợ xấu và trả hết các khoản nợ của ngân sách với các công trình. Cách làm này có hai tác động. Thứ nhất là đưa nền kinh tế về lại xuất phát điểm khi các khoản thua lỗ, nợ xấu lình xình thời gian qua được xử lý thật sự. Thứ hai là nguồn tiền đi vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Phải trở lại xuất phát điểm ban đầu thì lúc đó mới tính đến tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, nếu không sẽ quay lại mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư.

- Theo ông, nguồn vốn để tạo cú hích cho nền kinh tế lấy từ đâu?

- Để có nguồn tiền này thì Nhà nước phải chấp nhận “đau đớn”. Nếu cá nhân bị thua lỗ phải bán tài sản để trả, DN hay Nhà nước cũng phải làm điều tương tự. Do đó để có tiền, Nhà nước phải bán tài sản của mình tại các tập đoàn, DN nhà nước, kể cả những DN Nhà nước nắm giữ dưới 49% cổ phần. Hiện có nhiều DN nhà nước đang hưởng cổ tức rất lớn nhưng không biết làm gì. Nếu thoái vốn ở những DN này thì nhiều người sẵn sàng mua, kể cả trong nước, ngoài nước. Đây là nguồn lực rất lớn thay vì chỉ dựa vào nguồn tiền rủi ro từ trái phiếu chính phủ.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm