'Sếp' doanh nghiệp Nhà nước được thưởng nhiều nhất 1,5 tháng lương
Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, mức thưởng tối đa dành cho cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước làm chủ sở hữu là 1,5 tháng lương.
Theo quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và có vốn Nhà nước Thủ tướng mới ban hành, với những người quản lý doanh nghiệp Nhà nước làm chủ sở hữu, ngoài trách nhiệm nặng nề, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ được chi thưởng. Mức tối đa cho cán bộ quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 1,5 tháng lương, nếu hoàn thành nhiều nhất được 1 tháng lương, không hoàn thành không được thưởng.
Hiện nay, lương cao nhất của lãnh đạo tập đoàn kinh tế Nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, các vị trí khác 29-35 triệu đồng. Do đó, với lãnh đạo là chủ tịch HĐQ, mức thưởng cao nhất có thể lên tới 54 triệu đồng nếu căn cứ vào số lương tối đa 36 triệu đồng/tháng.
Theo quy định tại Nghị định 51, lương cao nhất dành cho chủ tịch HĐQT doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng, còn theo quy chế giám sát tài chính mới ban hành, mức thưởng dành cho quản lý hoàn thành nhiệm vụ tối đa là 1,5 tháng lương. |
Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tại một số tổng công ty Nhà nước và cho biết, nhiều lãnh đạo tập đoàn nhận lương rất “khủng”. Đơn cử, tại tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thu nhập bình quân lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng cao nhất 28,4 triệu đồng. Còn tại tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), bình quân tháng, lãnh đạo có thu nhập hơn 79,7 triệu đồng/tháng/người, còn khối văn phòng 32,9 triệu đồng.
Văn bản về quy chế giám sát tài chính Thủ tướng mới ban hành cũng chỉ ra 4 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước phải chịu sự giám sát đặc biệt. Đó là: kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn; lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp hơn 0,5%; báo cáo không đúng thực tế về tình hình tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi bị liệt vào danh sách giám sát đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị này cần phải có phương án cơ cấu lại tổ chức, kinh doanh, tài chính để trình chủ sở hữu trong 20 ngày từ khi nhận quyết định. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, năm, doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo các chỉ tiêu cụ thể về sản lượng, doanh thu, thu nhập, chi phí tiền lương, chi phí hoạt động, lợi nhuận thực hiện, tình hình thu hồi nợ, huy động vốn và trả nợ cũng như hiệu quả của huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, khả năng thanh toán nợ…
Trong thời hạn 2 năm, nếu không còn các chỉ tiêu phải giám sát, doanh nghiệp sẽ được đưa ra khỏi “danh sách đen”, và ngược lại, nếu liên tục thua lỗ 2 năm liên tiếp, hình thức xử lý là chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định.
Hoàng Anh
Theo Infonet