Ngân hàng chi hơn 350 tỷ USD cho lương, thưởng
Trong năm 2012, các ngân hàng lớn trên thế giới đã chi 359 tỷ USD để trả lương và thưởng cho nhân viên, tăng 13 tỷ USD so với năm trước đó.
Theo một nghiên cứu do hãng tin Reuters tiến hành và công bố ngày 10/3, con số kể trên là thống kê từ 35 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh hệ thống tài chính thế giới vẫn chưa hồi phục do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, còn Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới buộc phải áp dụng các chính sách khắc khổ.
Tiền thưởng cho các chủ ngân hàng vẫn thu hút sự quan tâm của xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong năm năm vừa qua. |
Reuters cho biết phần lớn trong tổng số tiền trên là khoản tiền thưởng cho lãnh đạo các định chế tài chính vào cuối năm. Tiền thưởng cho các chủ ngân hàng vẫn thu hút sự quan tâm của xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong năm năm vừa qua, nhất là khi cách đây vài năm, nhiều ngân hàng lớn đã đứng bên bờ vực phá sản. Và để cứu những định chế tài chính này, các Chính phủ buộc phải nhờ đến hàng trăm tỷ USD từ tiền thuế.
Thậm chí, mức lương cho nhân viên ngân hàng cũng tăng tới 20% hoặc hơn. Điều này gây tâm lý bất mãn cho người dân.
Việc tăng liên tục tiền thưởng cho những người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là giới lãnh đạo, đã dẫn đến việc cuối tháng Hai vừa qua, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đi tới một thỏa thuận sơ bộ nhằm hạn chế mức tiền thưởng kể trên.
Theo đó, mức thưởng cho một lãnh đạo ngân hàng thuộc EU sẽ bị giới hạn bởi mức lương.
Cụ thể, số tiền thưởng dành cho một quan chức ngân hàng sẽ không được cao gấp hơn hai lần mức lương hiện tại của người đó, và phải được đa số cổ đông đồng ý. Để có hiệu lực, văn kiện này cần nhận được sự ủng hộ của đa số các nước thành viên EU.
Tuy nhiên, Anh đã phản đối quy định này, khi cho rằng nó đi ngược lại lợi ích của giới chủ khu tài chính ở London, trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu.
Phía Anh lo ngại việc hạn chế mức tiền thưởng sẽ khiến cho trụ sở đầu não tại thủ đô London và các trung tâm tài chính châu Âu mất đi cơ hội kinh doanh, đồng thời điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng Mỹ và châu Á "lôi kéo" các chuyên gia có triển vọng từ châu Âu.
Theo TTXVN